Coteccons thay đổi năm tài chính, Chủ tịch “hứa” giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm

LÊ MỸ 26/04/2022 10:00

ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) nhận định 2021 là một năm khốc liệt và công ty đã có nhiều điểm sáng, đặc biệt với dòng tiền dương sau 13 quý liên tục âm.

>> Nếu VN-Index xuống 1.100 điểm, chứng khoán có còn hấp dẫn?

Theo báo cáo của HĐQT Coteccons, 2021 là 1 năm thách thức và công ty đã không hoàn thành các chỉ tiêu ĐHĐCĐ 2021 giao cho. Nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt giãn cách xã hội toàn diện tại TP.HCM và các địa phương phía Nam kéo dài suốt 4 tháng khiến hoạt động trên nhiều dự án hoàn toàn không thể triển khai. 

ĐHĐCĐ của Coteccons 2022 đặt chỉ tiêu lợi nhuận 20 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua của Công ty

ĐHĐCĐ của Coteccons 2022 đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng - chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 12 năm qua của Công ty

Điểm sáng 2021: "Đổi" dòng tiền từ âm sang dương

HĐCĐ Coteccons cho biết một hệ quả trực tiếp khác từ Covid-19 là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng, gây biến động lớn trên giá nguyên vật liệu. Điển hình như có những thời điểm, giá thép tăng gấp 3 lần. Giá xi măng, cát xây dựng và hầu hết vật liệu khác cũng lần lượt leo thang, tác động rất lớn tới chi phí trên mỗi dự án.

 Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến bức tranh kinh doanh của Coteccons trong năm 2021 là lượng backlog (dự án đã được ký kết) từ các năm trước bị sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, trong năm 2020, Công ty gần như không có hợp đồng ký mới nào.

 “Trong năm qua, những tàn dư từ một số dự án cũ của các năm trước cũng là nguyên nhân chủ yếu. Chủ đầu tư chậm trễ thanh toán công nợ (lên đến hàng trăm tỷ đồng) hoặc không đồng ý thanh toán chi phí do một số điều khoản pháp lý của các hợp đồng được ký kết trước đây chưa rõ ràng cũng trực tiếp làm suy giảm sức khỏe dòng tiền của Công ty. Thời gian qua, Công ty đã tiến hành rà soát và đánh giá để giải quyết đến 16 dự án có nợ xấu lớn…”, báo cáo nêu.

Tuy vậy, Coteccons đã ghi nhiều kết quả lớn của quá trình chuyển đổi định hướng chiến lược và tái cấu trúc doanh nghiệp của Coteccons. Trong đó, Công ty tiến hành nhiều cải tiến trong hệ thống quản lý và quy trình tổ chức, ứng dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới trên nhiều phương diện để phù hợp hơn với tình hình mới. Đồng thời, theo định hướng đa dạng hóa, nhiều mô hình sản phẩm mới đã được triển khai. Do vậy, ngoài lĩnh vực xây dựng dân dụng sở trường, Công ty đã mở rộng phạm vi sang công trình hạ tầng, đầu tư công nghệ, tài chính… Theo đó, nhiều sản phẩm và dịch vụ mới trên chuỗi Finance, Design & Build (đầu tư tài chính, thiết kế và xây dựng) đã nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng.

Kết quả cụ thể là lượng backlog của năm 2021 đã vượt chỉ tiêu 25.000 tỷ đồng với hơn 40 dự án được ký mới. Trong đó, chỉ riêng quý IV, Công ty đã ký thành công hơn 20 dự án mới với giá trị vượt mức 10.000 tỷ đồng. Quan trọng hơn, Công ty đã đạt được các hợp tác chiến lược có quy mô lớn với nhiều khách hàng truyền thống. Đồng thời, lượng tiếp cận từ khách hàng mới cũng tăng đáng kể.

Điểm sáng trong sức khỏe tài chính của Coteccons, sau nỗ lực tái cấu trúc chiến lược tài chính, Công ty đã đạt được dòng tiền dương sau 13 quý liên tục bị âm. Việc phát hành trái phiếu lần đầu tiên vào cuối 2021 – đầu 2022 đã mở rộng hội tiếp cận các nguồn huy động vốn đa dạng để chuẩn bị cho các kế hoạch hoạt động mới. 

Kết thúc 2021, theo BCTC Coteccons, Công ty có doanh thu đạt 9.077 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, hoàn thành 7% kế hoạch.

2022: Kế hoạch lãi khiêm tốn chưa từng có

Tuy vậy, khó khăn của 2021 không khiến Coteccons quá mức thận trọng trong chỉ tiêu kinh doanh 2022. 

Trong năm 2022, Coteccons đặt chỉ tiêu doanh thu thuần là 15.010 tỷ đồng (bằng 165% so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế là 20 tỷ đồng. “Đây là các chỉ tiêu đã được cân nhắc trên cơ sở dự phòng trường hợp tình hình thị trường không phục hồi nhanh như mong đợi và ưu tiên cho các mục tiêu dài hạn như đã đề cập”, HĐQT thông tin.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 Coteccons cũng đã tiến hành bầu HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2022 – 2027. HĐQT mới sẽ có 7 thành viên với đa dạng lĩnh vực chuyên môn và kinh nghiệm, có khả năng đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của Công ty trong tương lai.

 Đáng chú ý trong các nội dung tờ trình được ĐHĐCĐ thông qua, Coteccons đã đề xuất chuyển đổi năm tài chính phạm vi 12 tháng từ 01/01 đến 31/12 năm dương lịch sang 01/07 đến 30/06 năm sau. Đây là sự thay đổi để phù hợp hơn với đặc điểm hoạt động của Công ty, giảm áp lực lên bộ phận tài chính – kế toán vào các giai đoạn cao điểm cuối và đầu năm, giúp gia tăng hiệu quả và tính chính xác. 

Tại ĐH, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về 16 dự án nợ xấu như báo cáo của HĐQT, tuy nhiên, Kế toán trưởng của Coteccons thông tin: “Trên tinh thần tôn trọng danh tiếng khách hàng cũng như một số nguyên tắc bảo mật nên chúng tôi không tiện nêu tên các dự án và chủ đầu tư ở ĐHCĐ này. Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra, trên tinh thần minh bạch chúng tôi sẽ công bố và nếu cần thiết chúng tôi sẽ đưa ra toà hoặc cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước để thu hồi”.

Với 16 dự án này, Công ty trích lập dự phòng 95 tỷ đồng (thấp hơn mức của 2021 là 167 tỷ). Theo đó Coteccons cũng có khoản phải thu lên tới 7.000 tỷ đồng. Các chi tiết này cho thấy những yếu tố như giá cả nguyên vật liệu tăng cao, trượt giá, cộng với đó là chủ trương siết tín dụng địa ốc và làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu - “sân” huy động nợ chủ yếu của các công ty bất động sản, đang tác động phần nào đến các công ty bất động sản và các công ty xây dựng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. 

Một số cổ đông đặt câu hỏi cho Ban điều hành về vấn đề kế hoạch chăm sóc lợi ích khách hàng và người lao động cũng giá cổ phiếu của công ty. Có cổ đông đã giảm tới 75% tài sản vì tin và nắm giữ CTD. Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov chia sẻ: "Giữa lợi ích các bên chúng ta phải tìm điểm cân bằng. Tuỳ từng thời điểm chúng ta nên ưu tiên, tập trung vào lợi ích của một nhóm nào là quan trọng trong các bên liên quan đến chúng ta. Muốn có kết quả tài chính tốt hơn, Cổ đông hãy tin tưởng vào ban điều hành và hãy để chúng tôi chăm sóc lợi ích của khách hàng và đảm bảo lợi ích của người lao động". Ông cũng khẳng định: "1,5 năm qua tôi bạc tóc, da mặt dày hơn nhưng tôi tin giá cổ phiếu sẽ tăng vào cuối năm nay".

Cổ phiếu CTD đã lao dốc mạnh về đáy của trong vòng 2 năm qua, hiện chỉ còn giao dịch quanh mốc 54.000 đ/cp. Cổ đông mất niềm tin vào cổ phiếu và rời bỏ CTD được cho là do công ty đặt kế hoạch kinh doanh với lãi 2022 ở mức thấp nhất trong lịch sử công ty, so sánh trong chu kỳ hơn 12 năm trở lại đây kể từ 2009. Điều đó cũng cho thấy sau tái cơ cấu, Coteccons còn rất nhiều thách thức để có thể thực sự trở lại những cột mốc thu nhập cao của giai đoạn trước. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục được vinh danh Top 1 Nhà thầu Xây dựng Uy tín 2022

    Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục được vinh danh Top 1 Nhà thầu Xây dựng Uy tín 2022

    09:00, 23/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông

    20:15, 21/04/2022

  • Tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

    Tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

    13:44, 19/04/2022

  • Đà Nẵng dùng hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2022-2025.

    Đà Nẵng dùng hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2022-2025.

    13:15, 19/04/2022

  • Bộ Xây dựng: Đà tăng giá nhà đất chưa dừng lại

    Bộ Xây dựng: Đà tăng giá nhà đất chưa dừng lại

    05:00, 19/04/2022



LÊ MỸ