Việt Phương thoái vốn, Vinapharm chia cổ tức “gây tức”

ĐÌNH ĐẠI 29/04/2022 12:30

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông thắc mắc về việc trả cổ tức của DVN quá thấp. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm nay chỉ còn 2,1% trong khi tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 7%.

>>>Đầu tư cụm 4 dự án “khủng” tại Đắk Nông: Tập đoàn Việt Phương mạnh cỡ nào?

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Tổng Công ty Dược Việt Nam - Vinapharm (UPCoM: DVN) mới đây, các cổ đông đã bày tỏ sự quan tâm đến việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương thoái toàn bộ hơn 40 triệu cổ phiếu DVN sau hơn 5 năm gắn bó.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông của DVN quan tâm đến vấn đề liên quan đến việc Tập đoàn Việt Phương thoái vốn cũng như tỷ lệ trả cổ tức năm nay chỉ

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông của DVN quan tâm đến vấn đề liên quan đến việc Tập đoàn Việt Phương thoái vốn cũng như tỷ lệ trả cổ tức năm nay chỉ còn 2,1%. (Bà Hàn Thị Khánh Vinh - ngoài cùng bìa phải cam kết Việt Phương gắn bó với DVN)

Theo đó, toàn bộ hơn 40,29 triệu cổ phiếu DVN đã được Tập đoàn Việt Phương bán xong và hiện không còn là cổ đông lớn của DVN. Giao dịch được thực hiện từ ngày 1/4 – 5/4, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn Việt Phương bán ra chiếm 17% tổng số cổ phiếu lưu hành của DVN. Tạm tính theo thị giá của DVN trên thị trường, Việt Phương thu về 979 tỷ đồng.

Bà Hàn Thị Khánh Vinh - Phó Tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT của DVN hiện đồng thời là Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Việt Phương cho biết, tập đoàn này thoái hết vốn tại DVN do hết thời gian gia hạn chuyển nhượng cổ đông chiến lược và cũng để tái cấu trúc tài chính và danh mục đầu tư, nhưng đơn vị này vẫn cam kết gắn bó với DVN.

Sau khi Tập đoàn Việt Phương thoái hết vốn, quỹ đầu tư cơ hội PVI đã gom vào 28,5 triệu cổ phần DVN, qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 16% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của DVN.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Xuân Hấn - Tổng Giám đốc DVN cho rằng, việc chuyển đổi cổ đông lớn sẽ không làm thay đổi định hướng phát triển của DVN, mà việc tái cấu trúc cổ đông sẽ đem lại làn gió mới cho hoạt động công ty.

Cũng tại ĐHĐCĐ, cổ đông thắc mắc về việc trả cổ tức của DVN quá thấp. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm nay chỉ còn 2,1% trong khi tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 7%. Trả lời cổ đông, ông Đinh Xuân Hấn cho biết, do năm nay Sanofi giải thể, còn mọi năm chia khoảng 120 tỷ đồng tiền cổ tức. Giá trị vốn gốc đơn vị này là 21 tỷ đồng, định giá 209 tỷ đồng trở thành giá trị thu hồi vốn đầu tư vì đã ghi vào vốn Nhà nước. Quy mô nguồn vốn hiện nay là 2.370 tỷ đồng, nhưng trong đó có khoảng 900 tỷ đồng vốn ảo do định giá cổ phiếu doanh nghiệp tại 31/12/2014 là 40.000 đồng/cổ phiếu.

Lý giải về mức chênh lệch tỷ lệ chi trả cổ tức qua từng năm, ông Hấn cho rằng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định phải chi trả hết cổ tức cho tất cả các năm, nên nếu năm sau Sanofi có chia thêm cổ tức thì cổ đông cũng sẽ được nhận thêm.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu DVN.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu DVN.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất đạt 4.989 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu thực hiện của hai công ty con là Codupha và Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3) chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số công ty con thay đổi cơ cấu sản phẩm, giảm các mặt hàng có giá trị cao nhưng biên lợi nhuận thấp.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 234,4 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2020, nhưng vượt kế hoạch 53% là nhờ vào Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ tăng 36,5%, đạt 244 tỷ đồng, và các biện pháp giảm giá thành sản phẩm đi đôi với tiết giảm chi phí hoạt động của một số công ty thành viên.

Lý giải về mức tăng trưởng Lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ, lãnh đạo DVN cho biết, trong năm ngoái, một số doanh nghiệp có cổ phần vốn góp lớn của Tổng Công ty thực hiện chi trả cổ tức cao hơn dự kiến, như SSV, Dược phẩm Trung ương 3, Dược phẩm Trung ương CPC1 và Dược phẩm OPC. Bên cạnh đó là sự đóng góp của doanh thu từ lãi tiền gửi tăng, và hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư do biến động giá trên thị trường chứng khoán năm 2021 so với 2020.

Năm 2022, DVN đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 5.686 tỷ đồng và 159 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 114% và 68% thực hiện năm 2021. Hiện tại, DVN đang sở hữu 15% cổ phần (trên tổng vốn điều lệ 1.153 tỷ đồng) tại Công ty CP Sanofi Việt Nam. Theo các thỏa thuận đã ký, DVN được quyền tăng tỷ lệ sở hữu tại SVN lên 30% sau khi Công ty CP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam hoàn thành giải thể.

Để thực hiện được mục tiêu trên, DVN đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện như: Quản lý phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty và vốn của Tổng công ty đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên theo đúng các quy định của pháp luật và điều lệ, quy định của Tổng công ty. Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước và vốn của Tổng công ty đầu tư vào các doanh nghiệp; Tiếp tục thực hiện thoái vốn Nhà nước theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 và Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định, chỉ đạo của Bộ Y tế…

Bên cạnh đó, các Trung tâm phân phối thuốc và vắc xin của Tổng công ty sẽ hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại, được số hóa và quản lý chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư cụm 4 dự án “khủng” tại Đắk Nông: Tập đoàn Việt Phương mạnh cỡ nào?

    Đầu tư cụm 4 dự án “khủng” tại Đắk Nông: Tập đoàn Việt Phương mạnh cỡ nào?

    10:00, 28/04/2022

  • Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    11:55, 26/01/2022

  • Khó thoái vốn Nhà nước

    Khó thoái vốn Nhà nước

    04:30, 06/12/2021

  • SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?

    SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?

    16:22, 04/12/2021

  • Cân đối cả thoái vốn và hỗ trợ

    Cân đối cả thoái vốn và hỗ trợ

    04:50, 06/11/2021

ĐÌNH ĐẠI