Sớm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chính phủ cần sớm có hệ thống pháp lý đầy đủ đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vừa tạo cơ hội phát triển thị trường lành mạnh, mà người mua cũng có công cụ tham chiếu cho quá trình đầu tư.
>>Cần định hướng trái phiếu là kênh chủ đạo hỗ trợ doanh nghiệp
Sớm ban hành bộ quy chuẩn
Có thể thấy, quy mô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã lớn hơn so với một số nước trong khu vực nhờ vào sự tăng trưởng mạnh trong 5 năm vừa qua, với tốc độ bình quân khoảng 40%/năm. Huy động vốn qua TPDN cũng lớn mạnh trong tương quan với kênh vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán và tín dụng trung - dài hạn ngân hàng.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường TPDN phải đối mặt với áp lực đáo hạn giai đoạn năm 2023-2024 và phụ thuộc vào những chính sách mới trong thời gian tới, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Do đó, kỳ vọng sửa đổi Nghị định 153 sẽ giải quyết vấn đề về cơ sở nhà đầu tư, phân biệt giữa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và không chuyên, chuẩn hóa hồ sơ phát hành, trong đó nên có yêu cầu biểu mẫu thông tin phải công bố và kê khai thông tin một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, các chính sách mới cũng cần có những “tiên lượng” nhất định với thị trường để có thể duy trì sự ổn định, tránh việc thay đổi “luật chơi” liên tục trong thời gian ngắn.
Dưới góc độ pháp lý, LS. Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc công ty Luật Vimax Asia cho biết, trong quá trình tư vấn đối với thị trường tài chính, việc đầu tiên cần làm là đưa ra bảng xếp hạng về trái phiếu. Bản thân cơ quan Nhà nước phải có bộ quy chuẩn về xếp hạng đó, làm căn cứ cho nhà đầu tư cuối cùng sở hữu trái phiếu nhìn nhận được có nên mua hay không.
Cùng với đó, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải đưa ra quy định cụ thể như tỷ lệ phát hành trái phiếu trên vốn điều lệ là bao nhiêu phần trăm, đảm bảo cho câu chuyện doanh nghiệp tuân thủ và sử dụng dòng vốn đó. Vì trái phiếu là chứng từ có giá, người sở hữu trái phiếu có thể mang vào ngân hàng thế chấp, vay tiền. Nếu không có bộ tiêu chí chuẩn mực, thì hệ lụy có thể là ảnh hưởng đến thị trường tín dụng ngân hàng.
“Vừa qua vụ việc của Tân Hoàng Minh nổi cộm là câu chuyện sở hữu chéo từ công ty này mua sang công ty kia. Bản chất pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về quan hệ sở hữu chéo đối với trái phiếu. Vì thế mới cần phải tính toán lại quản lý dòng vốn, cũng như xây dựng các chính sách, vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, mà người mua cũng có công cụ tham chiếu cho quá trình đầu tư”, vị LS phân tích.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Đồng thời đặt ra câu hỏi, tại sao Tân Hoàng Minh lại có thể phát hành lượng lớn trái phiếu trong khi chưa phải là doanh nghiệp niêm yết; và tại sao việc sử dụng dòng tiền lại có sự “thoải mái” như vậy? Nếu có những văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và kiểm soát dòng tiền thế nào thì chắc không có những sự cố xảy ra.
“Ví dụ, nhu cầu dự án của doanh nghiệp là 5.000 tỷ đồng, thì lộ trình thực hiện dự án phải dài hạn, vậy doanh nghiệp cũng có thể chia thành các giai đoạn theo lộ trình để phát hành trái phiếu theo tiến độ đó. Đồng thời phải có một đơn vị ngân hàng, đại lý, tổ chức nào đó quản lý dòng tiền thu từ trái phiếu để đầu tư vào dự án. Nếu quy định, chế tài rõ ràng, sẽ không một doanh nghiệp nào dám lách luật. Còn việc chuyển nhượng trái phiếu từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác về luật là không cấm, đó là vấn đề của phát triển thị trường thứ cấp.
Vấn đề nữa là, khi đầu tư đầu tư tiền vào trái phiếu thì nhà đầu tư phải xác định trên thị trường niêm yết minh bạch hơn thị trường OTC, do đó, phải thấy được lợi nhuận cao hơn thì rủi ro cao hơn, dẫn tới khả năng mất vốn cũng cao hơn. Để đưa ra cân nhắc, đánh giá thực trạng, hiểu được doanh nghiệp như thế nào mới nên bỏ tiền đầu tư, chứ không phải “té nước theo mưa” như vừa qua”, ông Hùng nói.
>>NHNN có giải pháp ứng phó rủi ro trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ?
Tăng cường công tác giám sát
Làm thế nào để hệ thống pháp lý có thể hoàn thiện và đồng bộ, mặc dù có quản lý nhưng không “siết”, giúp doanh nghiệp tự tin huy động vốn mà không phải phụ thuộc vào ngân hàng là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Vị Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, một doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp đó phải có dự án, có kế hoạch huy động vốn, từ vốn ngắn hạn thông qua ngân hàng, đến dòng vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay các quỹ,... Còn khi muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải có một bộ hồ sơ trình để các cơ quan thẩm quyền phê duyệt, cho phép huy động bao nhiêu, sau đó các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành văn bản quy định cụ thể.
“Thực tế các nước trên thế giới không đặt vấn đề tài sản đảm bảo là chính, nhưng Việt Nam lại đưa vấn đề này lên trên, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn ồ ạt phát hành mà không có tài sản đảm bảo, hay chỉ có tài sản hình thành trong tương lai. Cho nên, bộ quy chuẩn nào cũng không thể tránh khỏi các lộ trình thực hiện công tác quản lý dòng tiền, tài sản,... điều quan trọng là các dự án đó phải có khả năng phát huy hiệu quả và hoàn tất được tính pháp lý.
Rất nhiều trường hợp xảy ra là, nhiều dự án bất động sản có hồ sơ chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, mới chỉ được phê duyệt từng bước, nghĩa là vừa thiết kế vừa thi công chưa hoàn thiện thủ tục nhưng đã huy động vốn. Điều này nhà đầu tư hoàn toàn nắm được, thậm chí nhiều cơ quan quản lý cũng còn lúng túng”, ông Hùng nêu ví dụ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng nói thêm, việc ban hành quy chế quản lý, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước kỳ này phải rà soát lại thật kỹ, đi vào các vấn đề thực tế. Trong đó có điểm đáng lưu ý là, phát hành trái phiếu rồi thì việc người dân sử dụng trái phiếu để vay là việc sẽ xảy ra, vì đây là một loại giấy tờ có giá, có thể cầm cố, thế chấp. Về nguyên tắc việc cho vay không sai, nhưng phải có cơ quan giám sát, chịu trách nhiệm, không để gây hệ quả cho ngành ngân hàng về lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần… “gạn đục khơi trong”
17:09, 09/06/2022
NHNN có giải pháp ứng phó rủi ro trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ?
11:25, 09/06/2022
Cần định hướng trái phiếu là kênh chủ đạo hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 09/06/2022
Sắp ban hành Nghị định 153 sửa đổi và có "chợ" giao dịch trái phiếu thứ cấp
16:45, 08/06/2022