Đẩy mạnh công tác quản lý trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đẩy mạnh thanh kiểm tra các hoạt động trên thị trường.
>>Làm sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt chuẩn?
Tăng cường thanh, kiểm tra
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, Thanh tra Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Trước đó ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN riêng lẻ. Sau khi có Chỉ thị, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng).
Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị nêu trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường TPDN, cụ thể như sau:
Thứnhất, về việc rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch TPDN, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Đặc biệt, UBCKNN cần khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết, đề xuất các giải pháp sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế và cơ chế quản lý, giám sát đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, an toàn.
Thứ hai, UBCKNN, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7/2022.
Thứba, các đơn vị Thanh tra Bộ Tài chính, UBCKNN, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính cùng các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu,... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành. Khi phát hiện vi phạm các quy định pháp luật thì theo mức độ vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
“Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Các đơn vị cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành TPDN; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Bộ Tài chính thông tin.
>>Sớm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Củng cố hành lang pháp lý
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, theo kinh nghiệm của cả thế giới cũng như sự vận động của thị trường TPDN Việt Nam trong thời gian vừa qua, sẽ rất khó để nói rằng, nhà đầu tư hãy tỉnh táo tiếp cận các nguồn thông tin.
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là do thông tin ở Việt Nam liên quan đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hầu hết đến từ các doanh nghiệp niêm yết, điều này đã nằm trong quy định với phát hành trái phiếu ra công chúng, đồng thời phải có kiểm toán độc lập. Còn với các nhà phát hành TPDN riêng lẻ, có những doanh nghiệp lớn mỗi lần phát hành hàng nghìn tỷ đồng, nhưng họ không chịu những quy định về thông tin một cách nghiêm túc tương tự các doanh nghiệp niêm yết, trong khi TPDN lại là một hàng hóa được giao dịch trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó là sự mập mờ về thông tin. Rất nhiều nhà phát hành TPDN đều công bố rằng đứng sau họ có bảo lãnh từ một ngân hàng thương mại hay một công ty chứng khoán nào đó rất uy tín. Nhưng đến khi vụ việc vỡ lở lở, các cơ quan chức năng vào cuộc, thì không có ngân hàng hay công ty chứng khoán nào đứng ra nhận bảo lãnh.
“Ngoài ra, theo tôi nhìn nhận, trong xếp hạng tín nhiệm có một thuật ngữ đó là “trái phiếu rác”, nhưng loại trái phiếu này vẫn có người mua bởi vì khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau. Vẫn có những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro để kỳ vọng vào lãi suất, vào lợi tức cao và thu nhập cao.
Do vậy, việc lành mạnh hóa thị trường TPDN thì việc đầu tiên phải là tạo ra nền tảng pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch. Chỉ trên cơ sở đó mới có căn cứ để xác định ai vi phạm pháp luật hay không vi phạm pháp luật, nếu không sẽ rất khó cho tất cả những người tham gia vào thị trường hiện nay”, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
Khuyến nghị giải pháp để hồi sinh và phát triển thị trường TPDN Việt Nam, nhóm chuyên gia tại ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đưa ra 5 giải pháp bao gồm:
Một là, phát triển hệ thống nền tảng thị trường, đặc biệt là hệ thống thông tin. Các vấn đề về pháp lý, cơ chế chính sách, định giá, định mức tín nhiệm phải có lộ trình áp dụng, tham khảo thị trường trái phiếu mà các nước ASEAN đang hướng tới.
Hai là, khuyến khích và tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các đợt phát hành TPDN. Đặc biệt là các công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước, vì kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm do các công ty nước ngoài cung cấp có thể không giúp ích gì nhiều do hạn chế của dữ liệu thông tin.
Ba là, đa dạng hóa các nhà đầu tư và khuyến khích phát triển các nhà tạo lập thị trường. Bởi vai trò của họ là rất lớn, góp phần quan trọng trong việc duy trì tính thanh khoản của TPDN, tăng khả năng giao dịch và qua đó thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn.
Bốn là, tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các tổ chức bảo lãnh phát hành, đồng thời quản lý chặt chẽ để hạn chế các tổ chức phát hành TPDN không đủ chất lượng. Các tổ chức tư vấn phát hành cũng cần làm việc chặt chẽ với tổ chức phát hành trong việc chuẩn hóa hồ sơ trái phiếu, tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế, tránh những rủi ro không đáng có.
Năm là, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường khu vực và quốc tế như thị trường vốn ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), phát hành TPDN ra thị trường quốc tế là một hướng đi phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động trong nguốn vốn huy động, không bị lệ thuộc vào tín dụng xuất khẩu hay tín dụng ngân hàng…
Có thể bạn quan tâm
Làm sao để thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt chuẩn?
00:15, 14/07/2022
5 giải pháp hồi sinh và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 13/06/2022
Rủi ro vỡ nợ chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
11:12, 10/06/2022
Sớm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:50, 10/06/2022