Gia tăng nguy cơ bị thâu tóm
Khó khăn của nhiều doanh nghiệp vì các lý do khách quan như biến động vĩ mô, rủi ro chính sách, hay do chính nội tại doanh nghiệp… đang đưa đẩy những thương vụ bị thâu tóm ngoài mong đợi.
>>> Trở lực M&A
Tập đoàn FLC, sau giai đoạn đầy biến động bởi các sự việc liên quan đến các lãnh đạo sáng lập, mới đây đã có biến động mới về khả năng chuyển giao sở hữu cho nhà đầu tư tại Bamboo Airlines.
FLC không phải là trường hợp hi hữu phải chia tay những “mảng, miếng”, thành viên vì khó khăn. Thua lỗ liên tục cũng khiến CTCP Quốc tế Hoàng Gia âm thầm đổi chủ trong bối cảnh kinh doanh casino vẫn còn được dự báo khó khởi sắc. Nhóm thâu tóm được cho là có liên quan đến một tập đoàn đa ngành.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong thời COVID-19, khó khăn của doanh nghiệp vẫn đang rất lớn và việc bán mình có chiến lược hoặc bất đắc dĩ đều có thể diễn ra với cả khối nội và khối ngoại. Cùng với đó, “tiền rẻ” dần hết, nên hoạt động M&A được đẩy mạnh sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Để có một thương vụ M&A chủ động, theo hướng toàn cầu, doanh nghiệp cần xử lý các yếu tố như: Dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới và thuế; tỷ lệ phần trăm của nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng trung tâm tài chính để huy động vốn; quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề công nghệ lõi và an ninh quốc gia”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng các yếu tố này không hoàn toàn tương ứng với điều kiện của các doanh nghiệp ở thì hiện tại. Theo đó, trong dòng chảy vốn M&A của doanh nghiệp trong nước với nhau hoặc doanh nghiệp ngoại M&A doanh nghiệp nội, điều doanh nghiệp cần lúc này là phải đánh giá, xem lại M&A như một phần của chiến lược doanh nghiệp, bao gồm chiến lược quản trị rủi ro, để từ đó chủ động lên kế hoạch, giành lợi thế.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục thực thi M&A chủ động, như một phần trong chiến lược phát triển, mở rộng chiều ngang và dọc của mình.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực bán lẻ, để trở thành "tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam" như Nikkei Asia gọi tên, "ông trùm" M&A, TS. Nguyễn Đăng Quang đã thực hiện rất nhiều thương vụ khác nhau. Việc Masan thông qua M&A hệ thống cà phê Phúc Long để tích hợp vào chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+ - một hệ thống bán lẻ lớn nhất được Masan mua lại từ tay Vingroup và đổi tên, cùng với đó tích hợp cả ngân hàng (Techcombank do Tập đoàn này có sở hữu cổ phần), có thể xem là bệ phóng để hoàn thiện dần mục tiêu trở thành one-stop shop (cửa hàng một điểm đến) cho khách hàng.
Nhưng chưa dừng lại đó, việc mạng di động Reddi chính thức có mặt tại hàng chục cửa hàng của WinMart+ cũng là một thành quả của M&A chủ động, đánh dấu sự lấn sân của Masan vào lĩnh vực viễn thông nhằm phục vụ người dùng với đa dạng tiện ích tối ưu. 65 triệu USD Masan rót cho công ty công nghệ Trusting Social để sở hữu 25 cổ phần - thương vụ được công bố vào kỳ ĐHĐCĐ 2022 của Masan, cũng cho thấy sự chủ động và đi trước của Tập đoàn này để ứng dụng số hóa vào bán lẻ, hứa hẹn một kỷ nguyên đua tranh mới trên thị trường công nghệ bán lẻ đầy mới mẻ của Việt Nam...
Có thể bạn quan tâm