Giữa “lùm xùm” Phước Kiển, QCG có tìm ra lối thoát?
Chờ phán quyết của VIAC trong vụ kiện với Sunny Island liên quan đến dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đang đứng trước nhiều khó khăn...
>>> Vì sao kiểm toán lưu ý khoản 2.900 tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai?
QCG trở thành một trong những trường hợp hy hữu khi các cổ đông đệ đơn đề xuất thanh tra thuế để đảm bảo quyền lợi cổ đông và nghĩa vụ nộp thuế của công ty…
Dính khoản nợ treo
Tại QCG, với tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối của cổ đông sáng lập kiêm Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Thị Như Loan (37%) cùng nhóm người thân có tổng tỷ lệ cổ phần chi phối lên tới trên 55%, thì hàng loạt giao dịch chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản của QCG đã gây không ít thắc mắc với chính cổ đông về “mạng nhện” giao dịch tài sản.
Bên cạnh đó, trong báo cáo tài chính của QCG tại cuối 2021, nợ ngắn hạn cũng phát sinh với mục phải trả trước người bán ngắn hạn, với “chủ nợ” là các cá nhân gồm cả Chủ tịch HĐQT, TGĐ, thành viên trong Công ty và những cá nhân khác là những người có liên quan… Tổng giá trị khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới trên 4.249 tỷ đồng, trong đó bao gồm khoản nợ cổ tức hơn 194 tỷ đồng… cho thấy rất nhiều quan hệ “nhằng nhịt” cá nhân và tổ chức, chung và riêng… tại công ty.
4.249 tỷ đồng là khoản phải trả ngắn hạn khác của QCG, trong đó có khoản nợ cổ tức lên tới hơn 194 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong hơn 4.249 tỷ đồng nêu trên, khoản 2.288 tỷ đồng đã nhận từ CTCP Đầu tư Sunny Island theo thỏa thuận thực hiện dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển vẫn đang là khoản nợ mà phía QCG “xài trước của người ta”, và phải chờ phán quyết của VIAC trong vụ kiện tranh chấp với phía Sunny Island để “trả lại tiền” hoặc “trả lại nhiều hơn”. Đây vẫn là khoản “nợ treo” có thể làm thay đổi đáng kể cấu trúc tài chính của QCG thời gian tới.
>>> Truy trách nhiệm công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ chuyển nhượng 32 ha đất công
Làm ăn ra sao?
Về kinh doanh, QCG có 4 mảng kinh doanh đóng góp trong tổng doanh thu thuần gồm: Bất động sản, bán hàng hóa dịch vụ, bán điện, bán cao su. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, QCG có tổng tài sản tăng 1,2% so với đầu năm lên 9.930,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 7.340,1 tỷ đồng, chiếm 73,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.267,1 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản và các tài sản khác.
Hàng tồn kho chiếm giá trị lớn chủ yếu vẫn là bất động sản dở dang (6.734 tỷ đồng) với các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và chi phí khác cho thấy QCG có thể “ngồi trên đống vàng” tương lai khi các tài sản này được phát triển thành các dự án cụ thể đủ điều kiện chào bán và ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên, điều này lại cũng cho thấy việc QCG dựa vào bất động sản để tăng doanh thu thuần trong bối cảnh này khó mang lại nhiều triển vọng, đặc biệt khi doanh thu thuần bất động sản quý I/2022 chỉ 101 tỷ đồng, bằng 1/3 quý I/2021.
Bù lại, QCG đang có mảng thu từ bán điện tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Đây có thể là mảng mang lại dòng tiền tích cực cho QCG khi giá năng lượng tăng lên trong khi giá vốn giữ nguyên.
QCG hiện có 2 dự án thủy điện bắt đầu hoạt động và hưởng thuế theo chế độ miễn, giảm thuế năng lượng là Thủy điện Iagrai1 và Iagrai2. Công suất thấp, chiến lược đầu tư khai thác thủy điện vừa và nhỏ của QCG về lâu dài, cũng được cho là khó cạnh tranh với xu thế năng lượng tái tạo đang được các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời triển khai rầm rộ.
Rủi ro lớn nhất của QCG nhìn chung hiện vẫn là dự án Bắc Phước Kiển. Đến nay, UBND TP.HCM chưa ban hành quyết định giao đất cho QCG và các văn bản công nhận, chấp thuận cho công ty này làm chủ đầu tư dự án. Đồng thời, dự án đã hết hiệu lực thực hiện, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng hướng dẫn Công ty lập thủ tục đầu tư dự án này theo đúng quy định pháp luật.
Do đó, không chỉ có kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý I/2021 mà kết quả chung năm 2022 của QCG dự báo cũng khá khó khởi sắc, đặc biệt khi số phận Phước Kiển vẫn còn “đầu sóng, ngọn gió”.
Có thể bạn quan tâm