Camimex bị phạt vì "để rớt" nhiều nội dung công bố thông tin
Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt vì vi phạm hành chính.
>>>TTF bị phạt, giữ nguyên kế hoạch chào bán hơn 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ
Cụ thể, Camimex bị phạt tiền tổng cộng là 310 triệu đồng căn cứ theo Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với các hành vi vi phạm hành chính, công bố thông tin (CBTT) không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, cụ thể:
Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021 có nội dung chưa đầy đủ, cụ thể: Trong năm 2020, Công ty tổ chức 12 cuộc họp Hội đồng quản trị (HĐQT); năm 2021, Công ty tổ chức 23 cuộc họp HĐQT; tuy nhiên, tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, Công ty thống kê có 11 cuộc họp; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021, Công ty thống kê có 21 cuộc họp.
Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 và năm 2021 chưa thống kê đầy đủ các Nghị quyết/Quyết định của HĐQT, cụ thể: Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020 chưa thống kê Nghị quyết HĐQT số 01/NQ.HĐQT.CMG ngày 30/01/2020 phê duyệt thông qua triển khai phân phối cổ phiếu CMX; Báo cáo tình hình quản trị năm 2021 chưa thống kê Nghị quyết HĐQT số 08/NQ.HĐQT.CMG ngày 13/8/2021 thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Nghị quyết HĐQT số 09/NQ.HĐQT.CMG ngày 13/8/2021 thông qua hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ.
Tại Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2020 và 2021, BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Công ty đều có phát sinh giao dịch với bên liên quan. Tuy nhiên, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, 6 tháng đầu năm 2021 và năm 2021 không trình bày giao dịch với bên liên quan;
Giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi UBCKNN có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán (Ngày 13/9/2021, UBCKNN có công văn số 5260/UBCK-QLCB về việc kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Công ty; tuy nhiên, từ ngày 10/9/2021 Công ty đã bắt đầu giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán);
Vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này (Giao dịch giữa Công ty với Công ty CP Camimex, Công ty CP Camimex Foods và Công ty CP Camimex Logistics là các tổ chức có liên quan với người nội bộ của Công ty trong năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 chưa được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)/HĐQT thông qua; từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021, Công ty đã cho Công ty CP Camimex vay khi chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận).
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Camimex ghi nhận doanh thu đạt 1.382 tỷ đồng, tăng 51%. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt ghi nhận là 82 tỷ đồng và 72 tỷ đồng, tăng 116% và 125% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng quý II/2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 897 tỷ đồng, tăng 25%; Lợi nhuận sau thuế đạt 46 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2022, lưu chuyển tiền thuần hoạt động kinh doanh của Camimex đạt 231 tỷ đồng, tăng 120%; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính đồng loạt giảm mạnh xuống mức âm 62 tỷ đồng và 162 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền đạt gần 34 tỷ đồng, tăng 1.378 so với năm trước.
Tính đến cuối quý II/2022, chi phí trả trước của Camimex đang là 87 tỷ đồng, gấp 4,6 lần đầu kỳ; nợ và cho thuê tài chính ghi nhận 847 tỷ đồng, tăng 45%. Vốn chủ sở hữu của Camimex đạt 1.368 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm nay.
Được biết, trong năm 2022, Camimex đang đầu tư và hoàn thiện nhiều nhà máy chế biến tôm, dự kiến nâng công suất lên 20.000 tấn thành phẩm/năm. Cùng với những dự án phát triển vùng nuôi công nghệ cao, Camimex kỳ vọng doanh số sẽ đạt 250 triệu USD/năm trong 5 năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, công ty đang nghiên cứu, sản xuất thủy sản công nghệ cao kết hợp với thực nghiệm. Quy mô dự án cả về diện tích mặt đất, mặt nước lên đến 16,7 ha và đạt công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Đặc biệt, Camimex chú trọng đầu tư phát triển công nghệ nuôi tôm sinh thái hữu cơ kết hợp tôm - rừng ngập mặn với chứng nhận quốc tế về sản phẩm sạch, an toàn chất lượng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng gia nhập các thị trường quốc tế, giảm cạnh tranh và nâng cao giá trị.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương xử phạt 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
23:04, 06/09/2022
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng
12:07, 29/08/2022
Nghệ An: Xử phạt cửa hàng mua dầu diesel ngoài “luồng”
11:19, 25/07/2022
Bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai
20:00, 14/07/2022