Ẩn số khả năng thanh toán nợ của Bách Hưng Vương
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, nhà đầu tư đang lo ngại về chất lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ, thì hoạt động đảo nợ với các công ty như Bách Hưng Vương không dễ.
>>>“Hồi sinh” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chặn “bond - run”
Bách Hưng Vương thuộc Top doanh nghiệp có giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải đáo hạn trong quý IV/2022.
Áp lực đáo hạn trái phiếu
Thông tin về Bách Hưng Vương không nhiều, vì công ty này chưa niêm yết trên sàn. Các hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp này có ít thông tin và hầu như không nêu cụ thể các thông tin, như lãi suất, mục đích huy động, tài sản đảm bảo hay các đơn vị tham gia tư vấn phát hành, cũng như tài sản đảm bảo (nếu có).
Theo dữ liệu thống kê của các công ty chứng khoán, Bách Hưng Vương nằm trong nhóm các công ty có giá trị trái phiếu phải đáo hạn cao trong quý IV/2022. Cụ thể, Bách Hưng Vương sẽ đáo hạn lô trái phiếu trị giá 2.980 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã BHVCB2122001, kỳ hạn 12 tháng, mà công ty đã chào bán thành công vào 17/12/2021. Như thường lệ, các thông tin chi tiết gắn cùng lô trái phiếu không được nêu rõ.
2.980 tỷ đồng là số tiền đáo hạn lô trái phiếu mã BHVCB2122001, được phát hành ngày 17/12/2021.
Tuy nhiên, qua kỳ hạn phát hành ngắn 12 tháng, Bách Hưng Vương cũng thể hiện khó khăn trong gọi vốn trung và dài hạn. Khó khăn này kéo dài đến năm nay khi hoạt động phát hành trái phiếu đến kỳ đáo hạn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực đáp ứng nghĩa vụ tất toán cho trái chủ, hoặc từ lợi nhuận trong kinh doanh, vốn cho chi phí trả nợ huy động cũ thông qua phát hành vay mới…
>>>Nhìn nhận toàn diện để “hồi sinh” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ẩn số thanh toán nợ
Với Bách Hưng Vương, về lý thuyết có thể sẽ không chịu nhiều áp lực khi Nghị định 65/2022 không hạn chế doanh nghiệp phát hành đảo nợ. Song trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, nhà đầu tư đang hết sức lo ngại về chất lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ, thì hoạt động đảo nợ thực sự không còn dễ dàng. Bởi huy động nợ vượt xa vốn chủ sở hữu, trong khi hoạt động kinh doanh không bộc lộ năng lực tài chính rõ ràng.
Thời điểm mới ra đời, vốn điều lệ của Bách Hưng Vương ở mức 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Đinh Thị Ngọc Thanh (75%), Đoàn Thị Thủy (15%), Trần Thị Thu Hà (10%). Trong đó, bà Thanh là Người đại diện theo pháp luật, đồng thời cũng đứng tên đại diện nhiều pháp nhân các công ty như CTCP Bông Sen, CTCP Thương mại và Dịch vụ Golden Peak, CTCP Đầu tư First Star, CTCP Landwey… Trong đó, CTCP Bông Sen có lịch sử đảo nợ trái phiếu thông qua phát hành nợ mới trả nợ cũ liên tục trong các năm qua.
Trong 3 năm kể từ khi thành lập tới 2020, Bách Hưng Vương chưa ghi nhận doanh thu; đồng thời báo lỗ sau thuế 90,7 triệu đồng năm 2018 và tiếp tục lỗ 142 triệu đồng năm 2019 và 2020. Đây là giai đoạn theo quy định doanh nghiệp còn được xác định lỗ, chuyển lỗ.
Tính đến năm cuối 2020, tổng tài sản Bách Hưng Vương có hơn 3.149 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 199,6 tỷ đồng; nợ phải trả còn 2.949,4 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên đến 14,7 lần. Năm 2021, không có số liệu/ thông tin tăng vốn của Bách Hương Vương được công bố, song nợ cộng thêm theo lô trái phiếu gần 3.000 tỷ đồng, đi cùng là các diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến Bách Hưng Vương đang trở thành một ẩn số về năng lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn nhận toàn diện để “hồi sinh” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
16:35, 30/10/2022
Hóa giải nghịch lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 27/10/2022
Hoá giải các điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:30, 21/10/2022
Những “ông lớn” đã mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn
05:10, 21/10/2022