Trước giờ lên sàn, VNG bị buộc bồi thường hơn 15 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền
Công ty VNG đang tiến hành kế hoạch đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom nhưng thời gian qua “kỳ lân” công nghệ này cũng vướng nhiều lùm xùm liên quan đến vấn đề bản quyền.
VNG chuẩn bị lên sàn UpCom
Mới đây, VNG thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký tập trung, chuẩn bị đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom. Động thái này của VNG có phần gây bất ngờ với phần đông thị trường, bởi lẽ, VNG vẫn được cho là sẽ thực hiện IPO tại Mỹ.
Đầu năm 2019, công ty này thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ với mức giá lên tới hơn 1 triệu đồng cho mỗi cổ phần. Cuối tháng 3/2019, Temasek Holdings - quỹ đầu tư của chính phủ Singapore - chi ra hơn 1,8 triệu đồng cho mỗi cổ phiếu để mua 355.820 cổ phiếu quỹ từ VNG.
Ngoài thông báo chốt danh sách cổ đông, VNG cũng thông tin về giao dịch giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông lớn là nhà đầu tư ngoại. Theo đó, ba cổ đông nước ngoài là Tenacious Bulldog Holdings Limited, Prosperous Prince Enterprises Limited và Gamevest PTE không còn là cổ đông lớn của VNG (giảm sở hữu về dưới 5%).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 được công bố trong tháng 10, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 3, VNG đang chịu lỗ sau thuế hơn 254 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 32 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỉ so với cùng kỳ năm trước lãi 196 tỉ đồng.
Tổng nợ phải trả của VNG đến hết 30/9 là 3.610 tỉ đồng, tăng gần 24% so với đầu năm; vốn chủ sở 5.578 tỉ đồng, giảm 11,7% so với đầu năm, trong đó khoản lãi sau thuế chưa phân phối đạt 5.867 tỉ đồng.
Bị phạt hơn 15 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền
Là “kỳ lân công nghệ” nhưng VNG nhiều lần dính lùm xùm về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khác.
Trong các ngày 23/8/2022, 19 và 29/9/2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án về tranh chấp độc quyền khai thác tác phẩm điện ảnh trên lãnh thổ Việt Nam mà Công ty cổ phần VNG là bị đơn. Theo đó, tòa án đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty cổ phần VNG phải trả số tiền bồi thường hơn 14.3 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hầu như không có bản án nào về quyền tác giả (kể cả cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm) mà tòa án chấp nhận mức yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn với số tiền lớn như đã nêu trên.
Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã có những biện pháp ngày càng quyết liệt hơn trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ chống lại các vi phạm bản quyền tại Việt Nam.
Vụ kiện này xuất phát từ việc nguyên đơn là đơn vị được cấp quyền độc quyền khai thác đối với tất cả các tập phim của 3 bộ phim (The Story of Minglan – Minh Lan truyện”, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi”, “Legen of the Phoenix – Phượng Dịch” trên mọi nên tảng truyền hình và mọi nền tảng dịch vụ, ứng dụng internet trong lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, nguyên đơn phát hiện Công ty VNG đã tiến hành khai thác 3 phim này dưới hình thức đăng tải trực tiếp lên trang điện tử thuộc quyền quản lý và sở hữu của mình là “tv.zing.vn”. Hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền này của công ty VNG đã gây thiệt hại cho nguyên đơn nên nguyên đơn khởi kiện VNG. Do đó, nguyên đơn yêu cầu VNG bồi thường tổng cộng 45 tỉ đồng và VNG phải xin lỗi công khai.
Tại phiên tòa, bị đơn là VNG cũng thừa nhận tên miền www.tv.zing.vn là của VNG, hoạt động theo mô hình mạng xã hội và 3 phim trên do người dùng mạng xã hội đăng tải. VNG cho biết họ không phải rà soát và đảm bảo về bản quyền của nội dung thông tin số do người dùng đăng tải.
Tuy nhiên, tòa án cho rằng VNG dù có chứng minh được người khác đã đưa phim được quyền chiếu độc quyền của nguyên đơn lên tv.zing.vn thì Công ty VNG cũng phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm độc quyền phát sóng. Bởi vì nguyên đơn đã chuyển tiền cho đơn vị cấp bản quyền theo thỏa thuận và thời gian chuyển tiền phù hợp với thời gian 2 bên ký thỏa thuận cấp phép truyền hình.
Tòa án nhận định, khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả như sau: Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 25 của Luật này.
Như nhận định trên, đối với 3 bộ phim trên, chủ sở hữu bản quyền phân phối độc quyền lại cho nguyên đơn theo giấy phép nhập khẩu của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, nguyên đơn được khai thác, trình chiếu độc quyền trên các phương tiện tại Việt Nam nhưng tên miền tv.zing.vn của Công ty VNG có trình chiếu 3 bộ phim này. Do vậy, công ty VNG đã vi phạm về khai thác bản quyền, nên xét yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
Cụ thể, giá trị hợp đồng chuyển nhượng để khai thác độc quyền 3 phim mà nguyên đơn phải trả là 610.800 USD, tương đương 14,24 tỉ đồng. Do đó, tòa án buộc VNG phải trả cho nguyên đơn số tiền hơn 14,3 tỉ đồng (bao gồm chi phí thuê luật sư); đồng thời tòa án cũng buộc Công ty VNG xin lỗi công khai nguyên đơn trên 3 tờ báo.
Nhiều lần bị xử phạt
Không chỉ với 3 bộ phim trên, VNG cũng từng bị kiện vì tranh chấp sở hữu trí tuệ khi sử dụng, khai thác bộ phim “The Leaves – Chiếc lá cuốn bay” khi đăng tải trực tiếp lên trang tv.zing.vn mà không có sự đồng ý của đơn vị được cấp quyền độc quyền phát sóng và phân phối bộ phim tại Việt Nam.
Tòa án nhận định, hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền “Chiếc lá cuốn bay” của bị đơn mà không được sự cho phép hay chuyển giao quyền từ nguyên đơn đã làm mất đi giá trị khai thác độc quyền của nguyên đơn đối với bộ phim. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là có cơ sở chấp nhận.
Tại thỏa thuận nhượng quyền và phụ lục 2 được ký ngày 22/7/2019, để được cấp quyền độc quyền phân phối và phát sóng bộ phim “Chiếc là cuốn bay”, nguyên đơn phải trả cho đơn vị cấp bản quyền phí nhượng quyền là 39,5 nghìn USD, tương đương 829 triệu đồng. Do đó, tòa buộc Công ty VNG bồi thường cho nguyên đơn số tiền hơn 829 triệu đồng và chi phí thuê luật sư 120 triệu đồng; buộc VNG xin lỗi công khai trên 3 tờ báo.
Trước đó, ngày 15/1/2019, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15/QĐ-XPVPHC đối với Công ty cổ phần VNG, số tiền phạt 90 triệu đồng cho 05 hành vi vi phạm trong đó có vi phạm bản quyền phim trên trang mạng xã hội Zing TV (tên miền tv.zing.vn).
Có thể bạn quan tâm
Bước chuyển mình mạnh mẽ của VNGroup
16:47, 30/08/2022
VNG tiếp tục hỗ trợ Newborns Việt Nam 9 tỷ đồng trong hành trình nhân ái
16:28, 12/07/2022
Công ty khởi nghiệp game Hàn Quốc hóa "kỳ lân" khi được VNG đầu tư
05:13, 30/03/2022