Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn vực dậy niềm tin sau những xáo động từ vụ việc Vạn Thịnh Phát. Nhà phát hành và người mua dường như chưa hoàn toàn sẵn sàng trở lại.
>>>Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 11 đã bắt đầu có sự xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp phát hành so với thị trường tháng 10. Tuy nhiên, số lượng nhà phát hành vẫn chỉ mới đếm trên một bàn tay với khối lượng phát hành khiêm tốn, thành công huy động gần như tập trung vào một doanh nghiệp lớn.
Cụ thể, VBMA ghi nhận dữ liệu từ HNX và SSC, tính đến ngày 01/12, CTCP Tập Đoàn Masan (HOSE: MSN) là doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam BIDV, HOSE: BID), CTCP Đầu Tư Đức Trung (UPCoM: DTI) và CTCP City Auto (HOSE: CTF).
Tổng cộng, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ diễn ra đã huy động được giá trị 1.934,7 tỷ đồng.
VBMA cũng ước tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của CTCP Tập Đoàn VinGroup (HOSE: VIC) trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị gần 10,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ gần 243 nghìn tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Cập nhật của Diễn Đàn Doanh Nghiệp từ HNX và kết quả chào bán trái phiếu mới nhất, thị trường có thể ghi nhận thêm đợt phát hành hoàn tất hôm 25/11 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) với 94,6 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCP Phát triển Xây dựng nhà Bà Rịa Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC) cũng huy động thành công hôm 24/11 với giá trị 30 tỷ đồng.
Thực tế, đây là 2 công ty có ngày phát hành trong tháng 10, tuy nhiên hoàn tất trong tháng 11 nên dữ liệu tháng 10 chưa được ghi nhận.
Trong tháng 10, VBMA ghi nhận chỉ có một công ty duy nhất phát hành trái phiếu là Công ty TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo, với giá trị huy động 210 tỷ đồng.
>>>Mua lại trái phiếu trước hạn hay cuộc đua "chẳng đặng đừng"
Theo đó, có thể tuy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp trong tháng 11 đã có sự nhúc nhích, khởi sắc tốt hơn tháng 10, song vẫn chưa thể có sự sôi động với sự tham gia đông đảo của các chủ thể, sự mở rộng cả về khối lượng và giá trị. Nói cách khác, một thị trường "thưa người bán" vẫn cho thấy sự e dè của doanh nghiệp, trong bối cảnh mà nhiều nhà kinh doanh, huy động vốn trước đây vẫn đang phải chật vật hoạt động, lên kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn theo yêu cầu của người sở hữu trái chủ, hoặc chủ động mua lại để tránh việc bị "soi chiếu" bởi các quy định tại Nghị định 65/2022.
Một chuyên gia cho rằng một nguyên do dẫn đến thị trường "thưa kẻ bán", còn nằm ở phía suy giảm nhu cầu mua trái phiếu mới từ phía các nhà đầu tư, khi quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng tại Nghị định 65, khá chặt chẽ. Ngoài việc phải xác định, đảm bảo được giá trị danh mục theo thời gian quy định, một yêu cầu mà các nhà đầu tư cá nhân sẽ cảm thấy khá "phiền hà" và cũng là yêu cầu cao trong khi giá trị danh mục đầu tư có thể liên tục suy giảm theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán; thì bên cạnh đó và quan trọng, cảm giác thiếu niềm tin - thừa rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu khiến nhà đầu tư hết sức thận trọng.
"Với quan điểm phát hành trái phiếu là doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm, tự vay, tự trả, nhà đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình, thì nhà đầu tư cá nhân của ta cũng chưa đủ sẵn sàng tâm lý "đầu tư chuyên nghiệp" để ra quyết định chọn trái phiếu theo khẩu vị, theo tầm nhìn, theo khả năng chịu đựng rủi ro cá nhân. Một điều đáng nói là nếu lãi suất trái phiếu mà các chủ thể doanh nghiệp đã phát hành trong gần nhất, chẳng hạn như HBC có lãi suất 11%, CTF 11%, MSN 12,5%, HDC 11% và các đợt phát hành của BIDV từ 8,7-8,8%; thì mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm trên thị trường kỳ hạn dài hầu hết đang dao động từ 9,5% đến trên 10%, thậm chí có nơi lãi suất cộng thêm thành trên 11%... rõ ràng lãi suất trái phiếu đã không còn cạnh tranh, thu hút được", chuyên gia đánh giá.
Vị chuyên gia cũng cho rằng tình trạng "vắng người mua, thưa kẻ bán" sẽ còn kéo dài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến hết tháng 12/2022, khi các doanh nghiệp hoàn tất mua xong đợt trái phiếu của kỳ đáo hạn ước khoảng 22.000 tỷ đồng và có kế hoạch cụ thể hơn nữa về tái cơ cấu doanh nghiệp.
Theo ước tính của VBMA, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trái phiếu gần 164 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Và với con số hơn 306 nghìn tỷ đồng trái phiếu cần đáo hạn trong năm tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng cần hơn một cú hích cụ thể bao gồm về chính sách, mới có khả năng phá vỡ tình trạng thưa-vắng này.
Có thể bạn quan tâm