VHC “đứt mạch” tăng trưởng
Dưới sự lãnh đạo của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh, Công ty ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là một trong những "ngôi sao" ngành thủy sản. Nhưng VHC mới đây đã “đứt mạch” tăng trưởng.
>>>Chịu sức ép COVID-19, VHC thêm áp lực phụ thuộc thị trường
Trong tháng 11/2022, VHC ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 893 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức gần thấp nhất cả năm 2022.
“Cú sốc” xuất khẩu
Xét về cơ cấu, doanh thu mảng cá tra đạt 480 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và là tháng đầu tiên đi lùi kể từ đầu năm tới nay. Đây vẫn là mảng đóng góp chính vào doanh thu của VHC. Trong khi đó, doanh thu mảng bánh phồng tôm chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các sản phẩm khác đồng loạt báo doanh thu tăng trưởng hai chữ số. Cụ thể sản phẩm phụ tăng 16%, sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng 19%, sản phẩm hỗn hợp tăng 43%, bún và bánh gạo tăng 29%.
Xét theo thị trường xuất khẩu, doanh thu từ hai quốc gia xuất khẩu chính của VHC là Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 13% và 60%. Doanh thu xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm 20%...
Như vậy, VHC đã “đứt mạch” tăng trưởng liên tục khi doanh thu xuất khẩu tháng 11 xuống gần thấp nhất năm 2022. So với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là tháng duy nhất trong năm ghi nhận kết quả giảm sút mạnh do biến động từ thị trường thế giới.
893 tỷ đồng là doanh thu xuất khẩu tháng 11 của VHC, giảm tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng chưa sáng sủa
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, VHC công bố doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt là 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 460 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái). Mặc dù đã đạt được mức tăng trưởng so với mức cơ bản thấp của năm trước, nhưng VHC đã ghi nhận lợi nhuận ròng theo quý thấp nhất kể từ quý 4/2021. Điều này là do doanh thu từ Mỹ (thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của VHC) giảm 41% so với quý trước, phản ánh lượng hàng tồn kho cao và lạm phát kéo dài. Theo SSI, trong thời gian tới, nhu cầu tại thị trường này sẽ tiếp tục giảm tốc, sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của VHC.
Theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa trong tháng 12 và kéo dài sang năm 2023. Bởi vì, lạm phát tăng cao ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ. Do đó, VHC cũng sẽ khó tránh khỏi tác động tiêu cực này.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký VASEP, năm 2023, việc tỷ giá tại 4 thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU đang giảm, khiến giá xuất khẩu có thể cao ở những thị trường này. Khi hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường này, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của nước sở tại. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nói chung và VHC nói riêng.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam, nhưng cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý của nước này.
Trước thực trạng nói trên, SSI dự báo năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của VHC lần lượt đạt 12,9 nghìn tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái) và 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái).
Có thể bạn quan tâm