Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023
Hàng tiêu dùng không thiết yếu được cho sẽ thiếu sức mua và làm doanh số của các doanh nghiệp ngành bán lẻ yếu đi trong khoảng nửa đầu năm 2023.
>>Năm 2023: Bán lẻ sôi động nhờ chuyển đổi số
Lạm phát cơ bản ở mức nền cao hơn
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2023 thể hiện rõ sức mua và tiêu thụ vẫn tập trung ở các mặt hàng thiết yếu. Trong đó nếu như CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,52%; khu vực nông thôn tăng 0,51%), thì nhóm có chỉ số giá tăng tập trung vượt trội ở nhu cầu di chuyển mùa Tết với: Nhóm giao thông 1,39% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,13 điểm % - thuộc nhóm tăng cao nhất, bao gồm cả nguyên do giá xăng đã có kỳ điều chỉnh tăng.
Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1/2023 tăng 0,82% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm %, trong đó lương thực tăng 0,89%, tác động tăng 0,03 điểm %; thực phẩm tăng 0,95%, tác động tăng 0,2 điểm %; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%, tác động tăng 0,04 điểm %. Một số nhóm hàng tăng đều thuộc thiết yếu và nhu cầu chu kỳ Lễ tết như nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm hàng hóa dịch vụ khác cùng với nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. Tách bạch nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có những mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu tuy nhiên nhu cầu và giá đều tăng để phục vụ các gia đình cuối năm.
2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng nhóm giáo dục. Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tách bạch ra, lại tăng như điện, sửa chữa nhà ở cuối năm... Riêng bưu chính, viễn thông là 2 mặt hàng có giá ổn định. Theo đó, yếu tố chu kỳ, mùa vụ tác động rất rõ trong xu hướng tăng, giảm giá các mặt hàng trong rổ CPI; nhưng tựu trung nếu so với cùng kỳ năm trước 2022, hàng hóa tăng và sức mua đều tăng so với thận trọng của người dân ngay sau đại dịch trước đây, khiến lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%).
>> Những xu hướng sẽ dẫn dắt ngành bán lẻ trong năm 2023
Các doanh nghiệp dự báo sẽ có hụt hơi
Mặc dù giá điện, học phí và chưa tính chi phí y tế, chưa tác động rõ rệt đến CPI của tháng 1/ 2023, song giới chuyên môn dự báo 3 yếu tố này với đà tăng giá sẽ khiến lạm phát cơ bản tăng lên, thậm chí đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2023. Bên cạnh đó thuế GTGT tăng lên 10% (từ mức cũ của 2022 8%) kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023 (Hiện Bộ Tài chính đã đề cập đến các chương trình tiếp tục giảm thuế, phí trong 2023 nhưng chưa có quyết định nào cụ thể nên thuế GTGT sẽ tạm thời tính theo mức trước dịch). Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Ngoài ra, khó khăn của kinh tế vĩ mô sẽ khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu với các mặt hàng không thiết yếu.
CTCK SSI đề ra kịch bản cơ sở, giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm. Với ước tính chi tiêu cho điện thoại & điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ và nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ không thay đổi vào năm 2023, với mức chi tiêu thấp cho đến nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Như vậy, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.
Một số yếu tố được kỳ vọng là cơ sở củng cố và mở rộng doanh số cho các nhà bán lẻ như hoạt động thương mại điện tử, thực tế theo SSI, thì các nền tảng thương mại điện tử thường giảm giá sâu, tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh chi phí tăng và nhu cầu yếu, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể bị lỗ, do đó mất dần thị phần. Những doanh nghiệp bán lẻ lớn đang niêm yết và đầu tư cho bán lẻ trực tuyến, tích hợp hệ sinh thái cả on-off, có thể "điểm danh" MWG - Thế giới Di Động, PNJ -Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận và FRT -FPT Retail và DGW - Thế giới số. Cùng với đó, Masan (MSN) với mảng bán lẻ có hệ thống WinMart và hệ sinh thái Wincommerce rộng lớn.
SSI cho rằng nhìn chung các nhà bán lẻ quy mô nhỏ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng cũng có thể bị mất thị phần. Do đó, các nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định có thể giành được thị phần. Ngoài ra, lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023. Bên cạnh đó, tổng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ có thể sẽ giảm, giả định kế hoạch mở mới thận trọng trong năm 2023. Tăng vốn là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao. Ví dụ như MWG hoãn thực hiện tăng vốn cho công ty mảng bách hóa từ quý 1 năm 2023 sang quý 3 năm 2023. Việc phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.
Trong khi SSI Research đánh giá không cao hiệu quả của hoạt động thương mại điện tử, nhóm nghiên cứu từ MSVN cho rằng đây là nền tảng cơ bản cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Theo MSVN, bối cảnh bán lẻ của Việt Nam vẫn còn phân mảnh với các kênh truyền thống chiếm ưu thế (70-80%), đặc biệt là ở phân khúc lớn nhất – bách hóa hoặc các phân khúc tiềm năng khác, chẳng hạn như hiệu thuốc hoặc trang sức. Các nhà bán lẻ với vị thế dẫn đầu thị trường và lợi thế cạnh tranh như MWG, MSN, PNJ và FRT đang mở rộng mạng lưới cửa hàng để nắm bắt xu hướng chuyển dịch đang diễn ra sang kênh bán lẻ hiện đại. Triển vọng kinh tế dài hạn tích cực và nhân khẩu học thuận lợi sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng thay đổi này và mang lại lợi ích cho các công ty này trong dài hạn. Trên bối cảnh như vậy, nhìn chung, mở rộng thương mại hiện đại sẽ là động lực tăng trưởng chính cho dài hạn.
Các doanh nghiệp thực tế hiện đang "đua" các mô hình bán lẻ hiện đại tích hợp cả thương mại điện tử và chuỗi kênh/ cửa hàng bán lẻ. Trong nhóm này, MSN vẫn được đánh giá nổi bật nhất với mô hình đa tiện ích "Point of life". Theo thống kê, hiện WinCommerce là hệ thống bán lẻ có quy mô và doanh thu lớn nhất tại Việt Nam. Đáng chú ý, từ giữa tháng 9/2022, Masan đã mở rộng các cửa hàng WIN, tích hợp nhiều tiện ích và dịch vụ, thiết kế nhằm hướng tới phục vụ tất cả nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Masan còn đẩy mạnh giới thiệu chương trình Hội viên WIN với các ưu đãi đặc quyền và giải pháp tài chính ưu việt từ Techcombank tại tất cả các điểm bán lẻ của chuỗi WinMart và WinMart+, qua đó hứa hẹn sẽ ghi nhận doanh thu bán lẻ mùa Tết hiệu quả cao, có thể được phản ánh ngay trong báo cáo tài chính quý đầu/2023.
Theo MSVN, nhìn chung về 2022, doanh thu bán lẻ của Việt Nam phục hồi tốt (+20% n/n), được thúc đẩy bởi tất cả các mảng. Doanh thu bán lẻ hàng hóa thậm chí đã vượt mức trước Covid. Điều này được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, hiệu ứng của cải và nhân khẩu học thuận lợi. Một quan sát thấy rằng xu hướng cao cấp hóa đã và đang dẫn dắt sự tăng trưởng. Tuy nhiên, những cơn gió ngược vĩ mô gần đây, bao gồm suy giảm tăng trưởng toàn cầu và biến động trong nước bắt nguồn từ việc Chính phủ kiểm soát chặt thị trường trái phiếu, có thể làm suy yếu chi tiêu của người tiêu dùng trong những tháng tới.
"Bất chấp những thách thức, chúng tôi kỳ vọng tác động có thể kiểm soát được và giảm dần trong nửa cuối năm 2023, được hỗ trợ bởi đầu tư công tăng tốc và Trung Quốc mở cửa trở lại. MIBG (Nghiên cứu của Tập đoàn Maybank) vẫn dự báo mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân trong năm 2023 là 6,0% n/n (so với 8,5% trong năm 2022) trong khi chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng đầu tư công mạnh hơn là 6,2% n/n (so với 5,6% trong năm 2022".
Bán lẻ theo đó, sẽ những điều chỉnh để đạt định giá hấp dẫn và có cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi nhóm này lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2023.
Có thể bạn quan tâm