Doanh nghiệp vẫn khó xoay xở thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn

HÀ PHƯƠNG-QUỐC TUẤN 24/02/2023 14:15

Cho đến thời điểm này, dù đến hạn thanh toán gốc lẫn lãi trái phiếu nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xoay xở chưa tìm ra nguồn tiền trả nợ.

Tháo gỡ pháp lý bất động sản, khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp trong ngành BĐS đang chật vật xoay xở tìm nguồn thanh toán nợ trái phiếu đến hạn

Nhiều doanh nghiệp trong ngành BĐS đang chật vật xoay xở tìm nguồn thanh toán nợ trái phiếu đến hạn

HNX vừa phát thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trong danh sách có 54 doanh nghiệp đã công bố thông tin bất thường hoặc báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi cho trái chủ. Đó là các doanh nghiệp như Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax, Công ty Cổ phần BCG Energy, Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova...

Trong danh sách HNX công bố, hầu hết doanh nghiệp công bố báo cáo có nội dng chậm trả lãi cho trái chủ ở dạng báo cáo tuần. Ngoài ra, có 7 doanh nghiệp công bố báo cáo bất thường về tình hình chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu gồm Công ty Cổ phần Lâu Đài Trắng (thuộc CTGroup),  Công ty Cổ phần  Đầu tư Hải Phát, Công ty Cổ phần Nova Final Solution, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Cổ phần VKC Holdings và Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản VHC.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp đã thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ, và ngay từ đầu năm nhiều doanh nghiệp đã phải gia hạn thanh toán trái phiếu đến thời điểm đáo hạn.

Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Để xoay tiền trả nợ DLG đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định. Lý giải việc chậm thanh toán, DLG cho biết, do lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền kinh doanh của Công ty khó khăn, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận tình trạng ảm đạm từ cuối năm 2022 đến nay. Thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết đến ngày 31/1, chưa ghi nhận đợt phát hành nào. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được thực hiện vào tháng 12/2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng.

Tín dụng bị siết, thị trường vốn khác (như chứng khoán, trái phiếu) khó khăn khiến các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán, dẫn đến nguồn tiền của tổ chức phát hành phải thanh toán cho trái chủ bị chậm so với kế hoạch.

Liên quan đến quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong dự thảo, Bộ Tài chính đã có đề xuất đáng chú ý đó là doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng cổ phần, tài sản bất động sản (BĐS)

Thực ra, thanh toán TPDN bằng tài sản BĐS không mới, vì một số doanh nghiệp đã thực hiện phương án "hàng đổi hàng" và chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ. Hiện nay một số doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, thậm chí có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.

Vì vậy các cơ quan soạn thảo đề xuất để doanh nghiệp phát hành có cơ sở thanh toán trái phiếu bằng các tài sản khác của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bên thứ 3 khi khó khăn cân đối dòng tiền thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 2 năm. Đồng thời bổ sung quy định điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu) mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư... Đây sẽ là những bước tiến mới khơi thông nguồn vốn từ TPDN hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề khó khăn từ vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • 34 doanh nghiệp địa ốc trễ hẹn trả nợ trái phiếu

    34 doanh nghiệp địa ốc trễ hẹn trả nợ trái phiếu

    19:00, 23/02/2023

  • Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    Khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    05:30, 20/02/2023

  • Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    Cần triển khai cả tín dụng bất động sản cùng tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 18/02/2023

  • Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị

    Doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị "nóng" về hỗ trợ vốn, tín dụng, trái phiếu và thuế

    11:10, 18/02/2023

HÀ PHƯƠNG-QUỐC TUẤN