FRT “làm mới” bán lẻ
Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) đang “làm mới” danh mục bán lẻ để tận dụng lợi thế mặt bằng, giúp tăng doanh thu.
>>Phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ số
Kế hoạch này của FRT dự kiến sẽ được trình ĐHĐCĐ tổ chức ngày 14/4 tại TP. HCM thông qua.
Nới danh mục hàng hóa
Trong kế hoạch kinh doanh 2023 dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ tới đây, FRT tập trung đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu. Theo đó, công ty dự kiến mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2023 lên 1.400 - 1.500 nhà thuốc.
Thống kê của DĐDN ghi nhận kế ngay sau Long Châu, “đối thủ” về số lượng cửa hàng nhà thuốc Pharmacity trước nay vẫn bỏ xa Long Châu và các nhà thuốc khác. Đến 31/12/2022, Pharmacity có 1.017 cửa hàng trên toàn quốc và đặt mục tiêu có 5.000 cửa hàng tới năm 2025. Do đó cuộc đua giữa Long Châu, Pharmacity và nhiều ông lớn cùng bán lẻ thuốc tây chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở năm 2023.
Trong khi có sự thận trọng với FPTShop trong mở chuỗi, FRT sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPTShop hiện hữu. Đến nay, số lượng cửa hàng FPTShop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng. Dự kiến đến cuối năm 2023, con số này tăng lên 600 cửa hàng.
Ngoài ra, FRT cũng cho biết nhằm mục đích mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh mới nhằm tận dụng lợi thế mặt bằng, giúp tăng doanh thu. FRT bổ sung hàng loạt ngành mới như bán mô tô, xe máy; bảo dưỡng và sửa chữa mô tô, xe máy; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; bán lẻ xe đạp và phụ tùng trong các cửa hàng chuyên doanh; sửa chữa xe đạp, đồng hồ, đồ dùng cá nhân và gia đình khác chưa được phân vào đâu.
Thách thức dịch chuyển
Như vậy, mô hình bán lẻ tích hợp, đưa đồng hồ vào cửa hàng điện thoại hay trang sức tới đây sẽ không còn là của riêng MWG hay PNJ, mà sẽ có sự gia nhập của FRT. Đáng chú ý nhất vẫn là việc FRT đưa danh mục bán mô tô, xe máy và bán lẻ hàng phụ trợ vào cửa hàng.
240 tỷ đồng là kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 của FRT, giảm 51% so với năm 2022.
Lợi thế cho lựa chọn của FRT không chỉ là đáp ứng dần các nhu cầu có tính tương đồng nhau trong lựa chọn tiêu dùng của từng nhóm khách hàng và kích thích mua hàng (ví dụ trong khi thay dầu nhớt xe có thể chọn xem đồng hồ…), mà còn có tính thuận lợi về mặt thời điểm khi chi phí thuê mặt bằng bán lẻ ở các đô thị lớn đang giảm.
Theo đánh giá của MSVN, bối cảnh bán lẻ của Việt Nam vẫn còn phân mảnh với các kênh truyền thống chiếm ưu thế (70- 80%), đặc biệt là ở phân khúc lớn nhất – bách hóa hoặc các phân khúc tiềm năng khác, chẳng hạn như hiệu thuốc hoặc trang sức. Các nhà bán lẻ với vị thế dẫn đầu thị trường, như MWG, MSN, PNJ và FRT đang mở rộng mạng lưới cửa hàng để nắm bắt xu hướng chuyển dịch sang kênh bán lẻ hiện đại. Triển vọng kinh tế dài hạn tích cực và nhân khẩu học thuận lợi sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng này và mang lại lợi ích cho các công ty này trong dài hạn.
Với FRT nói riêng, nhận diện 2023 là một năm khó khăn, đặc biệt đến từ chuỗi FPTShop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm mạnh và khó dự báo về thời gian hồi phục; ngoại trừ dược phẩm vẫn có nhu cầu cao, FRT đặt mục tiêu doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 51% xuống còn 240 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm