“Cơn gió ngược” với VHC
Hoạt động xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn đã và đang được ví như “cơn gió ngược” với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC).
>>Nhóm cổ phiếu thuỷ sản "nổi sóng"
Trong quý I/2023, VHC ghi nhận doanh thu đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 32% và lợi nhuận đạt gần 219 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, VHC mới hoàn thành gần 22% kế hoạch lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm này.
Tạm lỗ đầu tư chứng khoán
Do khó khăn kinh doanh, VHC xoay chiều sang đầu tư chứng khoán. Báo cáo tài chính quý I/2023 của VHC cho thấy, trong danh mục đầu tư cổ phiếu, thời điểm 31/12/2022 VHC trích lập dự phòng 76,6 tỷ đồng nhưng tới thời điểm 31/3/2023, doanh nghiệp này đã trích lập 83,9 tỷ đồng, tăng 7,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong danh mục đầu tư, VHC đầu tư 77,4 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG, trích lập dự phòng 32,5 tỷ đồng; đầu tư 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng; đầu tư 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng; đầu tư 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 4,7 tỷ đồng.
Như vậy, tại thời điểm cuối quý I/2023, VHC đang đầu tư 178,8 tỷ đồng vào cổ phiếu, đồng thời trích lập dự phòng toàn bộ danh mục đầu tư cổ phiếu với giá trị 83,9 tỷ đồng. Như vậy, VHC đã tạm thời ghi nhận lỗ 46,9% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.
Phát hành huy động vốn
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, VHC ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 431 tỷ đồng. Dù con số này đã giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn đáng ngại trong bối cảnh VHC đang cần vốn cho hoạt động kinh doanh.
>>“Sức bật” cổ phiếu thủy sản
Mới đây, ĐHĐCĐ VHC đã thông qua kế hoạch phát hành 3.667.539 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu và thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm. Thời gian triển khai trong quý II/2023 và trong vòng 45 ngày kể từ ngày UBCK chấp thuận.
Như vậy, so với giá thị trường ngày 8/5 là 61.400 đồng/cổ phiếu, người lao động của VHC sẽ được mua chiết khấu 83% so với giá thị trường.
Thách thức không nhỏ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay giảm theo. Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8-39%.
VASEP nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm nay khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Ngành thủy sản kỳ vọng vào sự hồi phục về nhu cầu và đơn hàng từ quý II/2023.
ABS dự báo tăng trưởng năm 2023 của VHC sẽ sụt giảm so với cùng kỳ do một số nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu suy giảm ở thị trường Mỹ (chiếm 44% tổng doanh thu) và EU (chiếm 13% tổng doanh thu) do lạm phát làm giảm sức mua của người tiêu dùng tại các kênh tiêu thụ HORECA.
Thứ hai, năm 2022, việc giá cá tra tăng mạnh đã kích thích VHC mở rộng nuôi trồng, diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.750 ha với sản lượng thu hoạch khoảng 1,68 triệu tấn. Điều này khiến nguồn cung trở nên dồi dào. Do đó, ABS dự báo giá cá tra trung bình năm 2023 sẽ giảm 18% so với cùng kỳ và sẽ hồi phục trở lại, tăng 5% trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
"Vua tôm", "nữ hoàng cá tra" và các doanh nghiệp thủy sản đang làm ăn ra sao?
04:00, 10/05/2023
Trầm lắng xuất khẩu thủy sản
02:00, 12/05/2023
Doanh nghiệp "đói" đơn hàng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản "lao dốc”
04:00, 05/05/2023
Việt Nam xuất khẩu thủy sản, lâm sản giảm gần 30% trong tháng 4
02:13, 05/05/2023