DPM “gặp khó”
Nguy cơ ngừng cấp khí cho nhà máy phân đạm, giá phân bón giảm, xuất khẩu gặp khó sẽ là những thách thức lớn đối với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM).
>>Quý 1/2023: Áp lực tăng trưởng âm nhìn từ các doanh nghiệp phân bón
Sau khi đã bước qua đỉnh lợi nhuận năm 2022, DPM phải đối diện với nhiều thách thức ngay từ đầu năm 2023.
Giảm kế hoạch kinh doanh
Theo BCTC quý 1/2023, DPM đạt doanh thu 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu trong nước chiếm tới 80%. Khấu trừ các chi phí, DPM lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ 2022, đây là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Theo DPM, kết quả kinh doanh giảm mạnh do giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý 1/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá bán ure giảm 44%.
Dự báo trước những khó khăn, không chỉ DPM mà hầu hết các các doanh nghiệp phân bón lớn đều tỏ ra thận trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, DPM đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm rất mạnh so với năm trước, thậm chí thấp hơn cả năm 2021. Trong năm 2023, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 60% so với năm 2022. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở giá ure năm 2023 dự báo ở 400 – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn năm 2022.
>> Sau đề xuất “sốc” của EVN, cổ phiếu DPM và DCM ra sao?
Trên thực tế, DPM vẫn thường lên kế hoạch thấp để dễ về đích và tuỳ theo tình hình thực hiện để điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh vào cuối năm. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng những khó khăn vẫn hiện hữu đối với ngành phân bón trong thời gian tới.
262 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của DPM, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022.
Thách thức không nhỏ
Theo EVN, hệ thống điện đang vận hành khó khăn bởi các hồ thủy điện thiếu nước do khô hạn. Lượng khí Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Đạm Phú Mỹ khoảng 6 triệu m3/ngày.
Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, EVN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, DPM, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm là tháng 5 và tháng 6/2023.
Nếu đề xuất trên được ĐHCĐ DPM thông qua, thì việc dừng, giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DPM.
Bên cạnh đó, quý 1/2023 đã chứng kiến sự sụt giảm giá đầu ra của ngành phân bón. Cụ thể, giá bán urê trong nước giao dịch quanh mức 9.500-9.600 đồng/kg (giảm 30% từ đầu năm đến nay). Bên cạnh đó, giá photpho vàng (P4) hiện đã giảm xuống 24.000 RMB/tấn so với 31.800 RMB/tấn vào ngày 4/2/2023. Mặc dù đã trải qua mùa thấp điểm, nhưng Kis Vietnam cho rằng giá phân bón quý 2/2023 sẽ khó phục hồi. Đây cũng là thách thức đối với DPM.
Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu sụt giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu của DPM do áp lực cạnh tranh từ sự trở lại của Trung Quốc và Nga trên thị trường phân bón toàn cầu. Như vậy, áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ cao hơn do hoạt động xuất khẩu gặp nhiều bất lợi. Kis Vietnam cho rằng những lợi thế mà Việt Nam được hưởng trong năm 2022 khó có thể xảy ra lần nữa vào năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Phân Bón Cà Mau không ngừng tìm kiếm nhân lực công nghệ chất lượng cao
21:56, 30/03/2023
Tìm giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps từ sản xuất phân bón
12:00, 04/03/2023
Sớm “gỡ vướng” về thuế VAT với phân bón
16:27, 21/02/2023
Dự thảo Thông tư về quy chuẩn chất lượng phân bón: Một số quy định chưa phù hợp
03:30, 13/02/2023
Phân bón Bình Điền đồng hành cùng nông dân Việt
07:01, 03/02/2023
Doanh nghiệp phân bón trong “vòng xoáy” khó khăn của thị trường
20:52, 14/12/2022