Hòa Bình lãi lớn nhờ bán tài sản
Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng đột biến đến từ việc thanh lý tài sản cố định, lãi ròng trong quý II của HBC đạt gần 547 tỷ đồng, tăng 1.114% so với cùng kỳ.
>>>Vì sao HBC bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu thuần của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận đạt gần 2.298 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu, nên lãi gộp của HBC đạt gần 424 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng ghi nhận sự sụt giảm với 49%, còn hơn 93 tỷ đồng, do lãi bán các khoản đầu tư chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính tăng nhẹ 2%, lên hơn 142 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 190%, lên gần 436 tỷ đồng. Việc chi phí quản lý tăng mạnh chủ yếu do doanh nghiệp phải trích lập dự phòng hơn 317 tỷ đồng dành cho các khoản nợ phải thu khó đòi.
Tuy nhiên, một điểm sáng trong quý II của HBC là khoản lợi nhuận khác ghi nhận đạt 653 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Với sự đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản này, HBC ghi nhận lãi ròng đạt gần 547 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng đến 1.114% so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, công ty đã thanh lý 1.293 tỷ đồng máy móc thiết bị trong kỳ. Phần máy móc thiết bị này đã khấu hao hơn 857 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 17/6/2023, HĐQT HBC đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Tập đoàn) cho nhà đầu tư Ashita Group mua lại một phần số máy móc thiết bị trên với giá 1.100 tỷ đồng. HBC cũng thông qua việc bán toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Một Thành Viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) là 167 tỷ đồng.
Mặc dù lãi lớn trở lại, nhưng do lỗ hơn 444 tỷ đồng trong quý đầu năm, nên lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 của HBC chỉ ở mức hơn 103 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận này, HBC cũng đã thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
>>>Trong khó khăn, vốn chủ sở hữu của HBC cao hơn nhờ đâu?
Một điểm đáng chú ý khác là HBC phát sinh khoản vốn góp hơn 193 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân. Được biết, Thành Ngân đã trở thành công ty liên kết của HBC với việc HBC sở hữu 25% vốn Công ty này.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, HBC đã giải quyết được phần lớn các khoản nợ đối với các nhà cung cấp và nhà thầu phụ bằng phương án cấn trừ cổ phiếu. Theo tiết lộ của Chủ tịch HBC Lê Viết Hải trong Báo cáo thường niên 2022, tính đến ngày 30/6/2023, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng .
Trước đó, trong tâm thư gửi đến cổ đông, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, đến ngày 23/06/2023 đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần đã có thêm 9 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 350 tỷ đồng.
Chủ tịch HBC Lê Viết Hải cũng khẳng định, khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc thu hồi nợ để hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế đến 31/12/2023 là 2.059 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Hoà Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.
"Với nguyên tắc chung là rất thận trọng, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ khiến khoản trích lập dự phòng nói trên. Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hoà Bình chưa hề xoá bất cứ một khoản nợ nào. Hầu hết các khoản nợ từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập”, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải chia sẻ thêm.
Chủ tịch HBC cho rằng, do tình thế chẳng đặng đừng Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ kiện được đưa ra xét xử, trong đó, Hoà Bình đã thành công cả 10 vụ. Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc lên đến gần 50%
Theo kế hoạch tái cấu trúc tài chính, HBC dự kiến phát hành thêm 274 triệu phiếu tương đương số tiền dự kiến 3.288 tỷ đồng, trong đó, phát hành cổ phiếu cho nhà thầu phụ và nhà cung cấp 1.050 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu cho cổ động chiến lược 2.238 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu HBC vừa trải qua phiên giao dịch cuối tuần trước trong sắc tím. Theo đó, đóng của phiên giao dịch ngày 28/7, thị giá cổ phiếu HBC tăng 6,61%, lên mức giá trần 10.000 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh hơn 7,19 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong tháng 7 của cổ phiếu ngành xây dụng này.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao HBC bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?
05:03, 04/07/2023
Sức ép tái cấu trúc HBC
16:26, 29/06/2023
Trong khó khăn, vốn chủ sở hữu của HBC cao hơn nhờ đâu?
02:52, 27/06/2023
HBC bán công ty con, chuẩn bị “thay máu” Hội đồng quản trị
05:00, 21/06/2023
Lỗ gần 444 tỷ đồng trong quý I, khó khăn tiếp tục “đeo bám” HBC
05:00, 02/05/2023