Doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng chờ “cú hích” từ Sân bay Long Thành
Với việc Nhà ga hành khách sân bay Long Thành dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 8 này, được đánh giá sẽ là “cú hích” lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.
>>>Đồng Nai: Chính thức bồi thường, giải tỏa tuyến đường kết nối sân bay Long Thành
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, ngày 01/08/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức công bố liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 - gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách sân bay Long Thành, với tổng giá trị 35.000 tỷ đồng và cũng là gói thầu lớn nhất của dự án này..
Theo đó, chỉ duy nhất liên danh Vietur, bao gồm 10 đơn vị gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC Ictas, nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ - đứng đầu liên danh; CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons; CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons; CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C; TCT Xây dựng số 1 (CC1); CTCP Kết cấu ATAD; Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG); CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC); CTCP Hawee Cơ điện và Tổng CT Xây dựng Hà Nội – CTCP (HAN) đủ điều kiện đi tiếp vào vòng đánh giá năng lực tài chính.
Mặc dù vẫn phải tiếp tục tham gia vòng chấm thầu về năng lực tài chính, nhưng VNDirect tin rằng, Vietur đang có khả năng lớn nhất giành được gói thầu này nhờ: Thứ nhất, trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải ngày 13/07/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải khởi công xây dựng Nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành trong tháng 8/2023.
Thứ hai, một số điều kiện về năng lực tài chính bao gồm: nguồn vốn đối ứng của nhà thầu tham gia là 3.224 tỷ đồng; nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; Và doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng. VNDirect đánh giá, các tiêu chí này đều không phải trở ngại quá lớn đối với liên danh Vietur.
VNDirect cho rằng, với việc là liên danh duy nhất đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật tại gói thầu 5.10, các nhà thầu thuộc liên danh Vietur (bao gồm các doanh nghiệp niêm yết là VCG, CC1, PHC và HAN) đã chứng minh được năng lực thi công so với các đối thủ khác trong ngành và sẽ có nhiều cơ hội nhận được các gói thầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn trong tương lai.
“Nếu được lựa chọn tham gia thi công gói 5.10, các công ty kể trên sẽ có cơ hội bứt phá mạnh về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023 - 2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với doanh thu mảng xây lắp của các doanh nghiệp trong ngành”, VNDirect nhận định.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VietCap, tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Mức lợi nhuận này là tương đối đáng kể so với lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) hay Vinaconex (866 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Ngoài ra, Vietcap ước tính dự án sân bay Long thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 18 triệu tấn đá xây dựng, ngoài ra cần thêm khoảng 1 m3 đá xây dựng cho mỗi m2 đường cao tốc/đường vành đai. Các mỏ đá xây dựng tại tỉnh Đồng Nai đang đứng trước cơ hội lớn khi dự án nằm ở tỉnh Đồng Nai.
“Chi phí vận chuyển là một cấu thành chi phí lớn đối với đá xây dựng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các mỏ đá gần đó. Những công ty hưởng lợi tiềm năng bao gồm CTCP Hóa An (DHA) và CTCP Xây dựng và Sản xuất VLXD Biên Hòa (VLB)", Vietcap cho biết.
VNDirect cũng cho rằng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Theo VNDirect, cụm mỏ Tân Cang sẽ là nguồn cung cấp chính đá xây dựng cho dự án sân bay Long Thành nhờ sở hữu vị trí gần công trường nhất và chất lượng đá tốt.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu mỏ tại cụm mỏ Tân Cang. Đáng chú ý, VLB đang sở hữu mỏ Tân Cang 1 với công suất khai thác cấp phép lớn nhất là 1.500.000 m3/năm, thời gian khai thác dài và trữ lượng còn lại tại cuối năm 2022 lên tới 25,7 triệu m3.
“Nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, chúng tôi cho rằng, dự án sân bay Long Thành sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Đồng Nai: Chính thức bồi thường, giải tỏa tuyến đường kết nối sân bay Long Thành
12:49, 25/05/2023
Bộ Giao thông Vận tải nói gì về tiến độ sân bay Long Thành?
17:35, 06/05/2023
Dự án sân bay Long Thành: Điều chỉnh đền bù, hỗ trợ chưa đúng quy định
12:04, 10/11/2022
Dự án sân bay Long Thành: "Phải nỗ lực, cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa"
11:16, 03/10/2022
Dự án thành phần sân bay Long Thành (Bài 2): “Trảm” nhà thầu vì thi công đình trệ, bê bối
15:20, 01/10/2022