Sớm đưa các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn

DIỄM NGỌC 14/08/2023 11:10

Để thị trường trái phiếu hoạt động hiệu quả hơn, chúng ta cần nhanh chóng đưa các sản phẩm TPDN niêm yết càng sớm càng tốt và các trái phiếu này nên được thẩm định khắt khe bởi các cơ quan quản lý.

>>Trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc

Thị trường còn kém sôi động

Thời gian vừa qua, việc ra đời của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được xem là giải pháp quan trọng giải quyết được rất nhiều tồn tại mà chúng ta băn khoăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Đơn cử như các trái chủ có thể dễ dàng mua bán trái phiếu, làm tăng tính thanh khoản của thị trường.

Dự kiến trong 3 tháng tới, 1.200 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã phát hành thời gian qua bắt buộc phải lên sàn

Dự kiến trong 3 tháng tới, 1.200 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã phát hành thời gian qua bắt buộc phải lên sàn

Ngoài ra, những người muốn tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong giai đoạn đầu, thông qua thị trường thứ cấp sẽ dễ dàng tìm được trái phiếu để mua, khi đó thị trường trở nên sôi động hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và sẽ phát triển bền vững hơn.

Khi có một sân chơi rõ ràng thì mọi thông tin, mọi vấn đề của doanh nghiệp được công khai, minh bạch và có tính chuyên nghiệp, dẫn đến môi trường phát hành trái phiếu cũng được chuyên nghiệp hóa, đồng thời tính trách nhiệm của doanh nghiệp được nâng cao tạo ra môi trường giao dịch tốt hơn so với trước đây.

Sau ngày “bùng nổ” giao dịch đầu tiên (19/7), có tổng cộng 19 mã giao dịch trái phiếu đã được đăng ký thành công với tổng giá trị giao dịch đạt 1.781,3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Vietcombank là tổ chức phát hành của 15 mã trái phiếu riêng lẻ đã đăng ký giao dịch trên sàn với kỳ hạn còn lại trái phiếu trải rộng từ 1950 ngày đến 5117 ngày. Ngoài ra, CTCP đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tradico) niêm yết trái phiếu TCD12101 có kỳ hạn còn lại 528 ngày. CTCP sản xuất và kinh doanh VINFAST đăng ký giao dịch 3 mã trái phiếu gồm VIF12101 (kỳ hạn còn lại 528 ngày), VIF12202 (800 ngày) và VIF122039 (800 ngày).

Tuy nhiên các ngày giao dịch sau trên thị trường kém sôi nổi hơn và dự kiến trong 3 tháng tới, 1.200 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã phát hành thời gian qua bắt buộc phải lên sàn.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam đánh giá, khi sản phẩm chưa có nhiều, thị trường chưa có quá nhiều thông tin hỗ trợ thì sự quan tâm của nhà đầu tư cũng không lớn, bởi vì họ còn mang tâm lý thận trọng, chưa thấy sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu này.

“Tôi nghĩ, bản thân cơ quan quản lý cũng đã nhìn ra vấn đề nên đã có những chỉ đạo, yêu cầu sắp tới các TPDN đang nằm ở thị trường sơ cấp sẽ phải nhanh chóng xúc tiến các thủ tục để niêm yết trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý muốn gia tăng thêm các sản phẩm tài chính, khi đó sức hấp dẫn và hiệu quả trên sàn cũng cao hơn giúp nhà đầu tư quan tâm, tin tưởng thị trường nhiều hơn. Tôi tin rằng, dòng tiền đổ vào đầu tư các sản phẩm trái phiếu sẽ gấp đôi hoặc gấp nhiều lần so với con số hơn 1.700 tỷ đồng vừa qua”, ông Phương bày tỏ sự lạc quan.

>>Tạo dựng niềm tin với trái phiếu doanh nghiệp: Cần có Quỹ bảo lãnh trái phiếu

Niềm tin "nhen nhóm"

Theo ông Phương, bản thân doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ thị trường trái phiếu nói chung. Khi doanh nghiệp cần vốn, từ vài nghìn tỷ đồng đến vài chục nghìn tỷ đồng là không đơn giản nếu phải vay từ ngân hàng, nhưng nếu họ có bản cáo bạch và công bố thông tin tốt, kết hợp các lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, dự án khả thi thì sẽ không khó khăn để tiếp cận được những nhà đầu tư lớn. Với điều kiện không quá khắt khe, thủ tục đơn giản, doanh nghiệp có thể huy động vốn nhiều, nhanh và có thể tái huy động vốn từ công cụ trái phiếu khi các khoản nợ cũ chưa đáo hạn.

Một doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn góp cho trái chủ hay không, có trả đúng hạn hay tất toán được trái phiếu hay không là dựa vào dòng tiền rất nhiều

Một doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn góp cho trái chủ hay không, có trả đúng hạn hay tất toán được trái phiếu hay không là dựa vào dòng tiền rất nhiều

Hiện nay, niềm tin trên thị trường TPDN cũng đang dần quay trở lại, thể hiện sau chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự can thiệp nhanh chóng từ Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa thị trường, nhà đầu tư đã có sự yên tâm hơn trong vài tháng gần đây và nhiều doanh nghiệp thành công trong việc phát hành mới trái phiếu để thu hút nguồn vốn mới. Đây là chỉ báo rõ nhất cho chúng ta thấy niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại.

Như vậy, để thị trường trái phiếu hoạt động hiệu quả hơn, chúng ta cần nhanh chóng đưa các sản phẩm TPDN niêm yết càng sớm càng tốt và các trái phiếu này nên được thẩm định khắt khe bởi các cơ quan quản lý.

“Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, ở thị trường thứ cấp Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có dòng tiền đổ vào rất lớn, hiện nay thanh khoản giao dịch mỗi ngày trên 20.000 tỷ đồng, chứng tỏ sự quan tâm và dòng tiền đang đổ vào thị trường cổ phiếu cao.

Thị trường trái phiếu cũng nằm trong thị trường vốn, do đó nếu thị trường trái phiếu tạo được niềm tin, tạo được sự minh bạch và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, thì nhà đầu tư cũng sẽ tham gia vào thị trường trái phiếu nhiều và năng động như thị trường cổ phiếu”, ông Phương dẫn chứng.

Khuyến nghị với nhà đầu tư, vị lãnh đạo CTCK KIS Việt Nam nhấn mạnh, khi đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ và phân tích các hoạt động doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất có thể.

Thứ nhất, nếu nhà đầu tư không có thời gian, hoặc chưa có nhiều kiến thức về tài chính thì có thể nhờ thêm các chuyên gia cố vấn, hay nhân viên hoạt động trong lĩnh vực tài chính hỗ trợ, giúp đỡ mình phân tích sâu vào các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phân tích dòng tiền của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể hoàn trả vốn góp cho trái chủ hay không, có trả đúng hạn hay tất toán được trái phiếu hay không là dựa vào dòng tiền rất nhiều.

Thứ hai, nhà đầu tư cũng nên xem xét đến đội ngũ quản trị, ban lãnh đạo của doanh nghiệp bởi vì đội ngũ quản trị có kinh nghiệm, kiến thức, gắn bó lâu dài, cam kết với doanh nghiệp thì thường doanh nghiệp đó sẽ hoạt động tốt.

Thứ ba, xem xét chiến lược phát triển hay các dòng sản phẩm của doanh nghiệp có đang phù hợp với thị hiếu thị trường, có đang mang đến doanh thu tốt hay không. Bởi vì doanh nghiệp huy động vốn qua công cụ trái phiếu nghĩa là họ đang sử dụng vốn vay từ vốn của nhà đầu tư; nếu họ sử dụng dòng vốn không hiệu quả, phát triển các dự án không khả thi, hoặc phát triển những dòng sản phẩm không mang lại doanh số tốt thì kết quả kinh doanh sẽ dự báo được là không tốt, khi đó ảnh hưởng đến dòng tiền và khả năng trả nợ hay khả năng trả lãi của doanh nghiệp cho các trái chủ.

“Thêm một yếu tố phụ mà tôi muốn đề cập nữa là, các doanh nghiệp nào mạnh dạn công khai thông tin doanh nghiệp, công bố thông tin nhanh chóng, minh bạch thì rõ đây là những doanh nghiệp đáng tin cậy”, ông Trương Hiền Phương nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo dựng niềm tin với trái phiếu doanh nghiệp: Cần có Quỹ bảo lãnh trái phiếu

    04:00, 31/07/2023

  • Trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc

    12:00, 30/07/2023

  • Ngân hàng tăng tốc tái cơ cấu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    12:00, 29/07/2023

  • Trái phiếu doanh nghiệp: Dự báo phục hồi nhu cầu từ nhà đầu tư tổ chức

    14:00, 25/07/2023

DIỄM NGỌC