Country Garden và những nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn vỡ nợ

DIỄM NGỌC 02/09/2023 05:00

Country Garden đã kéo dài thời gian bỏ phiếu của các trái chủ đến 10 giờ tối ngày 1/9, nhằm có thêm thời gian cân nhắc kế hoạch hoãn thanh toán và ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trái phiếu.

>>Cuộc khủng hoảng Country Garden có thể gây ra hiệu ứng lây lan

Theo báo cáo của Caixin, Country Garden - nhà phát triển bất động sản đang đứng bên bờ vực vỡ nợ của Trung Quốc - đã gia hạn cuộc bỏ phiếu vào tối ngày 31/8, chỉ 30 phút trước khi các trái chủ chuẩn bị bỏ lá phiếu điện tử cuối cùng của họ. Phía công ty sau đó đã không trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Logo của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden được nhìn thấy trên nóc một tòa nhà ở Trấn Giang, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Logo của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden trên nóc một tòa nhà ở Giang Tô, phía đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Vào tuần trước, Country Garden đã đề xuất gia hạn thanh toán lãi và gốc đối với trái phiếu trị giá 3,9 tỷ Nhân dân tệ (535 triệu USD) theo 7 giai đoạn trong ba năm. Nhưng một số trái chủ không chấp nhận điều này và yêu cầu hoàn trả đầy đủ, buộc Country Garden phải trì hoãn cuộc bỏ phiếu và thay vào đó xin gia hạn thêm 40 ngày.

Kế hoạch ban đầu do Country Garden đưa ra là đề xuất các chủ nợ đợi đến tháng 9/2026 để nhận 44% tiền gốc đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người nắm giữ trái phiếu đã đề xuất tuyên bố nhà phát triển vỡ nợ, bác bỏ đề xuất hoãn của Country Garden. Vấn đề bùng nổ sau khi công ty công bố khoản lỗ kỷ lục 6,7 tỷ USD trong nửa đầu năm vào ngày thứ tư và cảnh báo về khả năng vỡ nợ có thể xảy ra. Số dư tiền mặt của công ty cũng đã giảm 21% xuống còn 101,12 tỷ Nhân dân tệ từ mức 123,48 tỷ Nhân dân tệ một năm trước.

Chủ đầu tư đã cố gắng trả nợ và tránh vỡ nợ trong gần một tháng qua. Trong đó, họ đã công bố một dự án tài trợ vốn cổ phần nhằm huy động khoảng 270 triệu đô la Hồng Kông để bù đắp các khoản thanh toán mà họ nợ một công ty khác.

“Công ty sẽ tích cực giải quyết áp lực thanh khoản theo từng giai đoạn bằng cách áp dụng các biện pháp quản lý nợ khác nhau, bao gồm cả việc đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời gian cho các trái phiếu đáo hạn vào cuối tháng 6 năm sau”, Country Garden cho biết.

Theo hồ sơ của Country Garden gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm thứ Tư, họ cũng sẽ xem xét áp dụng các biện pháp quản lý nợ để đối phó với khoản nợ gốc còn lại ở nước ngoài trong 10 tháng tới.

Hiện nay, khoản trái phiếu trị giá 3,9 tỷ Nhân dân tệ là khoản nợ lớn nhất của công ty phải đáo hạn trong năm nay. Bên cạnh đó, nhà phát triển bất động sản cũng cần hoàn trả lãi trái phiếu Mỹ mà họ đã bỏ lỡ hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Chủ tịch công ty - Mo Bin - cho biết, họ sẽ tiếp tục đàm phán với các ngân hàng và các trái chủ khác để trì hoãn việc trả nợ. “Các giám đốc của công ty đã đánh giá rằng tập đoàn đã tuân thủ các giao ước tài chính vào ngày 30/6/2023. Tuy nhiên, nếu hiệu quả tài chính tiếp tục xấu đi trong tương lai, tập đoàn có thể không thực hiện được các cam kết tài chính và dẫn đến tình trạng vỡ nợ ở các khoản vay cũng như vỡ nợ chéo ở một số khoản vay khác”, ông Mo cho biết trong tuyên bố của công ty.

>>Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp, nhà phát hành và trái chủ nên làm gì?

Edward Chan, nhà phân tích của cơ quan xếp hạng S&P đánh giá, nếu đề xuất về thời gian ân hạn 40 ngày trong nước được chấp nhận, nó có thể mang lại cho Country Garden một chút không gian để thở. Ông nói: “Nhưng Country Garden cũng cần phải quan tâm đến việc thanh toán phiếu bằng đô la Mỹ trong thời gian gia hạn. Nếu không làm được điều đó, có thể gây ra tình trạng vỡ nợ chéo và điều này sẽ tạo thêm căng thẳng cho công ty”.

Như nhiều chuyên gia nhận xét, vụ vỡ nợ của Country Garden có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn cả Tập đoàn Evergrande, vì tập đoàn này sở hữu số lượng dự án nhiều gấp 4 lần.

Các nhà phân tích của Moody’s do Kelly Chen đứng đầu cho biết trong một báo cáo ngày 30/8 rằng, căng thẳng tín dụng của các nhà phát triển có khả năng lan sang lĩnh vực bất động sản, cuộc khủng hoảng thanh khoản của Country Garden là một trường hợp điển hình. Đặc biệt, nó có khả năng làm suy yếu thêm tâm lý thị trường và trì hoãn sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc Country Garden từ Caa1 xuống Ca, với lý do thanh khoản thắt chặt và rủi ro vỡ nợ tăng cao, cũng như triển vọng các chủ trái phiếu được hoàn trả đầy đủ là yếu kém.

Moody's kỳ vọng triển vọng phục hồi của các trái chủ ở nước ngoài sẽ thấp nếu công ty vỡ nợ, do đòn bẩy nợ cao và số tiền tài trợ lớn ở cấp công ty con đang hoạt động.

“Mặc dù công ty có thể trả nợ thông qua việc xử lý tài sản hoặc các kế hoạch gây quỹ khác, nhưng các hoạt động gây quỹ như vậy mang lại sự không chắc chắn. Trong khi đó, căng thẳng tài chính của Country Garden có thể làm tăng mối lo ngại của người mua nhà về tình hình tài chính và khả năng hoàn thành dự án của các nhà phát triển khác, đặc biệt là các nhà phát triển thuộc sở hữu tư nhân và các công ty nhỏ hơn, từ đó làm suy yếu thêm khả năng tiếp cận nguồn vốn vốn đã bị hạn chế của họ”, các chuyên gia tại Moody's nói.

Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, hiện Country Garden đã thuê China International Capital Corporation làm cố vấn tài chính cho hoạt động tái cơ cấu tiềm năng trong tương lai. Mặc dù cổ phiếu của Country Garden đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ năm vừa qua, nhưng nó đã giảm 67% trong năm nay.

Sự chao đảo trong ngành bất động sản của Trung Quốc, từng là trụ cột trong nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD, đã gây thiệt hại ở nhiều nơi khác. Tăng trưởng đã giảm dần và có thể gặp lực cản đối với nền kinh tế, trong khi các nhà phát triển vẫn ì ạch trả nợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Country Garden và những nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn vỡ nợ

    16:48, 01/09/2023

  • Vỡ nợ trái phiếu có nguy cơ xảy ra?

    11:00, 19/04/2022

  • Trung Quốc chao đảo vì làn sóng vỡ nợ trái phiếu bất động sản

    11:22, 11/10/2021

  • Vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc: Hậu quả từ đầu tư công không hiệu quả

    06:30, 01/04/2021

DIỄM NGỌC