Evergrande liên tục chịu áp lực từ các trái chủ

DIỄM NGỌC 30/09/2023 05:03

Một nhóm chủ nợ lớn ở nước ngoài của Evergrande đang lên kế hoạch kiện nhà phát triển, nếu họ không nộp kế hoạch cải tổ nợ mới vào cuối tháng 10, trong bối cảnh người sáng lập bị điều tra.

>>Evergrande đề xuất tái cơ cấu nợ: Nhiệm vụ khó khả thi

Theo Reuters đưa tin, một số nguồn tin cho biết tập đoàn Evergrande Trung Quốc đã bán siêu du thuyền của mình với giá khoảng 32 triệu USD vào đầu năm nay, khiến tài sản ở nước ngoài của công ty càng bị thu hẹp trong bối cảnh gấp rút thực hiện kế hoạch cải tổ nợ.

Theo các nguồn tin, China Evergrande đã bán siêu du thuyền của mình vào sự kiện hồi đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Theo các nguồn tin, China Evergrande đã bán siêu du thuyền của mình vào sự kiện hồi đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Các chủ sở hữu trái phiếu ở nước ngoài của Evergrande dự kiến sẽ tăng cường tập trung vào các tài sản ở nước ngoài, khi kế hoạch tái cơ cấu nợ của nhà phát triển gặp khó khăn do người sáng lập hiện đang bị điều tra. Quá trình tái cơ cấu nợ còn phức tạp hơn sau khi Evergrande cho biết không thể phát hành nợ mới, vì cuộc điều tra nhắm vào đơn vị chính ở Trung Quốc. Các nhà phân tích đánh giá, sự chậm trễ trong việc tái cơ cấu nợ sẽ làm tăng nguy cơ công ty bị thanh lý.

Được biết, Chủ tịch Evergrande - ông Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) đã bị cảnh sát đưa đi vào một ngày trong tháng 9 và đang bị giám sát tại một địa điểm thuộc sự quản lý của cơ quan chức năng. Nhiều nguồn tin cho hay, đây có vẻ không phải là một vụ bắt giữ chính thức nên khả năng ông Hứa sẽ không bị buộc tội.

Raymond Cheng, Giám đốc điều hành của CGS-CIMB Securities tại Hồng Kông bình luận: “Nhìn chung, đề xuất tái cơ cấu cần có sự chấp thuận và chữ ký của những người phụ trách chủ chốt. Với tư cách là người đứng đầu ở Evergrande, sự “biến mất” của ông Hứa chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực rất lớn đến quá trình tái cơ cấu”.

Cùng với đó, trước những thông tin bất lợi, nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi ai là người điều hành hoạt động của công ty và điều gì sẽ xảy ra với kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài. Trong khi đó, Evergrande đang là nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng nợ hơn 300 tỷ USD.

Những lùm xùm về tài chính của công ty lần đầu tiên được công khai vào năm 2021 đã đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc cũng như thị trường toàn cầu. Sau khi vỡ nợ trái phiếu bằng USD vào cuối năm 2021, Evergrande đang trong quá trình tìm kiếm sự chấp thuận của các chủ nợ đối với đề xuất cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài trị giá 31,7 tỷ USD, bao gồm trái phiếu, tài sản thế chấp và nghĩa vụ mua lại.

Reuters đưa tin vào ngày 26/9 rằng, một nhóm chủ nợ lớn ở nước ngoài của Evergrande đang lên kế hoạch kiện lên tòa án chống lại nhà phát triển, nếu họ không nộp kế hoạch cải tổ nợ mới vào cuối tháng 10.

So với tổng nợ nước ngoài trị giá 31,7 tỷ USD, Evergrande có khá ít tài sản bên ngoài Trung Quốc. Việc bán siêu du thuyền nghĩa là các chủ nợ nước ngoài của công ty sẽ có ít lựa chọn hơn trong bất kỳ quy trình thanh lý tài sản nào.

Các nguồn tin khác cũng cho hay, một chiếc máy bay tư nhân Boeing của Evergrande đã được bán vào tháng 7/2022 với giá 100 triệu USD và Evergrande hoàn toàn không trả lời yêu cầu bình luận về việc đó.

>>Chi nhánh Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ

Trong số tài sản ở nước ngoài còn lại của công ty, các chủ nợ sẽ cần xác định xem liệu chúng đã được sử dụng làm tài sản thế chấp để huy động vốn hay chưa. Giới phân tích cho rằng, khả năng sở hữu những tài sản ở nước ngoài của các trái chủ nước ngoài là một phần của yêu cầu pháp lý, tuy nhiên không biết Chủ tịch Evergrande đã cam kết điều đó không.

Khu dân cư phức hợp Evergrande Mingdu được nhìn thấy ở Hoài An, phía đông tỉnh Giang Tô vào tháng 12 năm 2022. Ảnh: Getty Images

Khu dân cư phức hợp Evergrande Mingdu tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Ngày 28/9, Evergrande đã yêu cầu đình chỉ giao dịch cổ phiếu của mình, cũng như cổ phiếu của Evergrande Property Services và China Evergrande New Energy Vehicle Group mà không đưa ra lý do. Ba cổ phiếu sẽ vẫn bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Việc tạm dừng giao dịch diễn ra một tháng sau khi tập đoàn thoát khỏi tình trạng đình chỉ 17 tháng. Công ty và các công ty con có tổng vốn hóa thị trường là 16,7 tỷ đô la Hồng Kông (2,1 tỷ USD) vào ngày 27/9, giảm gần 80% giá trị trước khi tiếp tục giao dịch vào tháng 8.

Brock Silvers, Giám đốc điều hành tại Kaiyuan Capital cho biết: “Các vấn đề pháp lý của ông Hui Ha Yan không phải là tin tốt cho các chủ nợ, nhưng chúng cũng không đại diện cho sự thất bại cuối cùng của quá trình tái cơ cấu”.

Lấy việc giải cứu HNA Group Co. làm ví dụ, Silvers cho biết chính quyền Trung Quốc dường như đang đi theo một chiến lược đã được thiết lập, đó là cho phép các công ty mất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề về đòn bẩy, rủi ro và chỉ hỗ trợ khi đã đến bước đường cùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chi nhánh Evergrande đệ đơn phá sản tại Mỹ

    11:05, 18/08/2023

  • Evergrande đề xuất tái cơ cấu nợ: Nhiệm vụ khó khả thi

    17:21, 25/07/2023

  • Hướng đi mới của Evergrande

    05:00, 25/03/2023

  • Cổ phiếu Tập đoàn Evergrande bị tạm ngừng giao dịch tại Hồng Kông

    10:30, 21/03/2022

DIỄM NGỌC