VCCI: Quy định dán nhãn hàng hoá trong quá trình vận chuyển là không phù hợp
VCCI cho rằng, quy định dán nhãn hàng hoá trong quá trình vận chuyển tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Điều 3 Khoản 7 và Điều 2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã quy định, lưu thông hàng hóa bao gồm các hoạt động trưng bày, khuyến mại, vận chuyển và lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa. Như vậy, khi vận chuyển trong quá trình mua bán hàng hóa, như vận chuyển từ cơ sở sản xuất, nhà máy đến đại lý hay đơn vị bán hàng, từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp bán, hàng hóa phải thực hiện việc ghi nhãn theo quy định tại Nghị định.
Tuy nhiên, sau khi ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho rằng, việc quy định hiện nay của dự thảo là chưa thực sự hợp lý, có thể gây ra khó khăn trên thực tế. Các trường hợp vận chuyển trong quá trình sản xuất hàng hóa rất đa dạng như vận chuyển từ cửa khẩu về kho lưu giữ, vận chuyển từ kho lưu giữ này sang kho lưu giữ khác, vận chuyển từ kho lưu giữ sang nhà máy/cơ sở sản xuất và ngược lại, vận chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác. "Việc quy định hàng hóa vận chuyển từ kho lưu giữ đầu tiên đi nơi khác được coi là hàng hóa lưu thông và phải thực hiện ghi nhãn là không phù hợp với Nghị định 43, gây khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp", VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
VCCI: Điều kiện các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo được mua chưa chặt chẽ
06:00, 05/05/2019
VCCI: Nên áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho cả doanh nghiệp SMEs
04:31, 28/04/2019
VCCI: Cân nhắc phương pháp xác định giá khởi điểm cho thuê, chuyển nhượng tài sản công
05:00, 18/03/2019
VCCI: Đề nghị thu hẹp thời gian đình chỉ hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất
06:30, 07/12/2018
Từ lý do trên, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ đoạn 3 điều 2 Dự thảo, đồng thời bổ sung giải thích chi tiết về lưu thông hàng hóa như giải thích trên để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Khoản 2 điều 3 Dự thảo quy định về việc ghi nhãn hàng hóa trong trường hợp có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài. Theo đó, nếu đối tượng mua bán là cả bao bì ngoài hoặc đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp. Tuy nhiên, VCCI cho rằng cần lưu ý nếu hàng hóa có thể bóc ra để bán lẻ từng đơn vị hàng hóa thì việc quy định hàng hóa phải ghi nhãn cả với bao bì ngoài là điều không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức của bao bì ngoài.
Ví dụ: sản phẩm hộp bánh trung thu thường gồm 4 bánh trung thu nhỏ, trong đó các đơn vị bánh trung thu này đều được bọc bao bì trực tiếp và thực hiện việc ghi nhãn với bao bì này. Bao bì ngoài là hộp bánh chủ yếu mang tính hình thức. Người tiêu dùng có thể dễ dàng xem các thông tin được ghi ở bao bì trực tiếp. Vì vậy, việc quy định phải ghi nhãn cho bao bì ngoài có thể khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thể hiện hình thức cho bao bì ngoài.
Theo đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: “Nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn cho bao bì trực tiếp”, đồng thời bỏ quy định tại Khoản 3 của dự thảo nói trên.