Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực giáo dục
Giáo dục, vận tải, hàng không và bán lẻ là những lĩnh vực đang được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Đây là thông tin được đưa ra tại chương trình “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Uỷ ban hợp tác kinh tế Nhật Bản – Mê kông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức sáng nay.
Phần lớn các doanh nghiệp tham dự Chương trình đều cho rằng, đây cũng là những lĩnh vực được các chuyên dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng: “Chương trình này sẽ là một cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản có thể đẩy mạnh hợp tác và đầu tư trong các lĩnh vực như giáo dục, vận tải, hàng không và bán lẻ. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng và doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đầu tư”.
Chia sẻ cụ thể về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, ông Noriyuki Sekito, Giám đốc điều hành Tập đoàn Giáo dục I-Cube cho biết: “Giáo dục là lĩnh vực Doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt quan tâm”.
Trước khi I– Cube đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp này cũng đã tìm hiểu kỹ càng về thị trường giáo dục Việt Nam. Theo ông Sekito, hiện nay lĩnh vực này của Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư như các lĩnh vực khác. Vì vậy, cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh.
Tiềm năng và dư địa thị trường lớn là điểm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có những khó khăn nhất định. Theo ông Sekito, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đó là làm thể nào để thay đổi các chương trình giảng dạy cho phù hợp với thực tế của Việt Nam. Bởi trong nền văn hoá giữa Việt Nam – Nhật Bản đang có những khác biệt nhất định.
Nhằm cải thiện phần nào những khác biệt này, ông Sekito cho biết, bên cạnh việc triển khai các khoá học sẽ có các buổi giao lưu tìm hiểu văn hoá, để có được sự thấu hiểu nhất định. Ngoài ra, thông qua mỗi buổi tìm hiểu văn hoá, doanh nghiệp thường tìm hiểu các ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh là người Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hiểu được nhu cầu thực sự và mong muốn của phụ huynh học sinh để điều chỉnh các chương trình giảng dạy cho phù hợp.
Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ: Hiện nay doanh nghiệp này cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhưng là lĩnh vực giáo dục dành cho người lao động. Vì vậy doanh nghiệp này muốn I-Cube muốn chia sẻ những kinh nghiệm hoặc có thể hợp tác để cùng triển khai.
Ông Seikito cho biết, doanh nghiệp của ông rất sẵn sàng phối hợp cùng với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới.
Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 đến từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Với những lợi thế và lịch sử hợp tác, chương trình “Đối thoại kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” sẽ là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp hai bên thắt chặt cơ hội hợp tác hơn nữa.