Việt Nam sẽ đạt mục tiêu biến đổi khí hậu
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - ông Bruno Angelet vừa qua.
Thời gian qua, Việt Nam coi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris là nền tảng cho ứng phó BĐKH toàn cầu.
Sẵn sàng với Thỏa thuận Paris
Đặc biệt đối với Thỏa thuận Paris được Việt Nam chính thức tham gia cùng hơn 170 quốc gia từ năm 2016. Nội dung chính Thỏa thuận chung Paris hạ mức phát thải carbon dioxit càng sớm càng tốt. Giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Đánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần. Đến năm 2020, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển và cam kết tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.
Về tiến độ triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Đến nay, đã có 47 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận này. Thực tế, Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh trong thời gian qua. Và cho đến bây giờ, người dân Việt Nam đã đối mặt với nhiều tác động của BĐKH. Người dân đã hiểu tác động, tác hại của BĐKH nên sẽ hành động để ứng phó với BĐKH.
Ứng phó tương đương khả năng
Ông Bruno Angelet cũng bày tỏ kỳ vọng của EU đối với Việt Nam về tiến độ triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, các nguyên tắc triển khai Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí nhà kính… Về phần mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng tương đương của việc ứng phó với BĐKH giai đoạn trước năm 2020 và sau 2020. Trong đó, việc tăng cường cam kết giảm phát thải KNK và hỗ trợ tài chính trước 2020 của các quốc gia phát triển là tiền đề để triển khai các hoạt động sau 2020.
Tuy nhiên, trong điều kiện mức phát thải khí nhà kính và mức độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, việc ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển là để bảo vệ người dân, sinh kế, hệ sinh thái... Do đó, đảm bảo phát triển kinh sẽ có khả năng đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.