Phát triển bền vững là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp
Tối nay, 22/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018.
Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, các hiệp định FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Mới đây, báo cáo của PwC cho kết quả, trong số 21 nền kinh tế APEC, Việt Nam đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư trong hoạt động mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 12 tháng tới.
Ba trụ cột của phát triển bền vững
Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa chính thức phát động phong trào yêu nước mới trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân - đó là phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Trước đó, ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ công bố Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018. Điều này cho thấy tốc độ phát triển doanh nghiệp đang tăng nhanh, Việt Nam đang hành trình tiến tới Quốc gia khởi nghiệp.
"Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp xây dựng Nghị quyết 35 với mục tiêu của nghị quyết là hướng đến 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Đó là đích đến quan trọng", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi ích từ các FTA, cũng như các cơ hội trở thành quán quân thu hút FDI hay các mục tiêu phát triển doanh nghiệp khi có được giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, phát triển bền vững sẽ dựa trên 3 trụ cột là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường. "Nói cách khác, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích của con người và không làm "đau" trái đất. Đối với doanh nghiệp, những giá trị này đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
"Giấy thông hành" cho doanh nghiệp
Chủ tịch VCCI đồng thời khẳng định, phát triển bền vững là chiến lược và mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, "giấy thông hành" của doanh nghiệp đến với thị trường và hướng tới tương lai.
"Các chuỗi giá trị chọn đối tác, người tiêu dùng chọn sản phẩm và dịch vụ, người lao động chọn nơi làm việc... đều hướng tới các giá trị có tính chất nhân văn, bền vững chứ không chỉ quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp phát triển bền vững là những doanh nghiệp có thể đưa ra những sản phẩm dịch vụ được thị trường lựa chọn đầu tiên, và cũng là nơi người lao động lựa chọn là nơi làm việc lý tưởng của mình", Chủ tịch VCCI khẳng định.
Được biết, tại Việt Nam Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, các FTA mà Việt Nam đã tham gia cũng gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, quá trình cải cách của Việt Nam, quá trình thực hiện các FTA xét ở góc cạnh nào đó cũng chính là việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Lễ công bố TOP 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018
19:20, 22/11/2018
Tối nay diễn ra Lễ công bố TOP 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018
15:44, 22/11/2018
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhận thức được vai trò của doanh nghiệp trong quá trình này, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) để triển khai chương trình thúc đẩy phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, chương trình phát triển xanh, chương trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, căn cứ vào bộ chỉ số phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, VCCI đã xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp ở Việt Nam với 131 chỉ tiêu, để hướng dẫn và định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, hàng năm VCCI tổ chức xếp hạng, công bố các doanh nghiệp dẫn đầu trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Bộ chỉ số này đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và áp dụng trong hệ thống quản trị và xây dựng hệ thống kinh doanh.
“Có thể nói, bộ tiêu chí về CSI là bộ công cụ quan trọng để kiểm tra sức khoẻ của doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết họ đã lên kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và có 13% đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, với hơn 80% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng, phát triển bền vững là đòi hỏi tất yếu từ cộng đồng xã hội, từ phía khách hàng với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp phát triển bền vững đang được ví như những “hạt giống xanh” trong “khu vườn” của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
“Hy vọng, thời gian tới, trên bản đồ hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ ghi dấu những doanh nghiệp Việt đủ tài, đủ tâm sánh ngang cùng các cường quốc, không chỉ về sức mạnh tài chính, mà còn phát triển nhân văn, bền vững theo đúng Chương trình nghị sự 2030 và 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam là chương trình được tổ hàng năm nhằm vinh doanh các doanh nghiệp đi tiên phong và đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực phát triển bền vững, đồng thời có tác dụng khích lệ các doanh nghiệp tại Việt Nam chú trọng hơn tới phát triển bền vững.