Khoa học và công nghệ đóng vai trò đột phá trong phát triển bền vững
Trong thời gian qua, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đóng góp vai trò quan trọng với PTBV, nâng cao năng suất, chất lượng, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững (PTBV) năm 2019, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, KH,CN&ĐMST đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 3 năm 2016-2018; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,5%.
KH,CN & ĐMST đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp triển khai các nhiệm vụ KH&CN tại các Chương trình KH&CN quốc gia để nhập khẩu công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam, những doanh nghiệp có năng lực công nghệ, thiết bị được đánh giá cao so với trung bình của Việt Nam có mức năng suất lao động cao hơn 1,66 - 1,83 lần. Thông qua việc ứng dụng và làm chủ công nghệ, trình độ và kỹ năng của người lao động được nâng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, KH,CN&ĐMST nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước khi KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.
Trong công nghiệp, KH&CN đã đóng góp vào tăng trưởng Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2018 tăng 10,2% so với năm 2017, vượt mức chỉ tiêu theo kế hoạch (9%). Đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế; chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong y tế (đặc biệt là kỹ thuật ghép đa tạng, sản xuất vacxin).
Những chỉ số nêu trên chứng minh rằng nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Và có thể khẳng định rằng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cũng liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126, và năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia).
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định: “Kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng quan trọng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Không chỉ đóng góp trong lĩnh vực kinh tế, KH,CN&ĐMST còn đóng góp phát triển cho xã hội. Các nghiên cứu đã tập trung làm rõ các vấn đề về: giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta; các vấn đề xã hội khác (như: chính sách về dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội; các chính sách cho các nhóm xã hội yếu thế;...)
Trong y học, các tiến bộ về KH&CN đã đóng góp vào thực hiện mục tiêu xây dựng cuộc sống mạnh khỏe cho người dân, góp phần điều trị các bệnh hiểm nghèo cho người dân, cho phép người dân được tiếp cận với dịch vụ công nghệ cao với chi phí hợp lý.
Đồng thời, các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng giúp Việt Nam tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, tăng thu nhập từ xuất khẩu các thiết bị y tế và dược phẩm.
Điển hình trong lĩnh vực sản xuất vacxin, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất 10 loại vacxin phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vacxin và là một trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận quản lý vacxin đạt chuẩn quốc tế. Việt Nam đã sản xuất thành công vacxin sởi và vacxin phối hợp sởi-rubella với công suất mỗi loại 3-4 triệu liều/năm, giá thành rẻ hơn nhiều lần so với nhập khẩu, tiết kiệm hàng nghìn tỷ do không phải nhập khẩu.
Điều này góp phần giúp Việt Nam chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí cho người dân, đồng thời mở ra cơ hội để vacxin Việt bước ra thị trường ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy phát triển bền vững
16:04, 11/09/2019
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
19:30, 05/09/2019
Nhiều sáng kiến nổi bật sẽ được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019
11:24, 04/09/2019
Để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực hiện vai trò đột phá trong tiến trình phát triển bền vững 2020 – 2030 tại Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Thứ hai, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó tăng cường sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, tạo ra các công nghệ nguồn, công nghệ lõi.
Thứ ba, áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở Khoa học và Công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
Thứ tư, nghiên cứu, có cơ chế cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ nền tảng, công nghệ lõi của CMCN lần thứ 4 thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ năm, xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, của hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ, nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh.
Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế chính sách về việc thúc đẩy hấp thụ, phát triển công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bao gồm việc phát huy quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội để đầu tư cho nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo; đề án hoàn thiện thể chế để thu thút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.