Phát triển rừng và chế biến gỗ bền vững thông qua "sản xuất xanh"

THY HẰNG 12/08/2022 16:08

Phát triển bền vững là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều sự biến động.

>>>Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững

Ngày 12/8, tại Bình Định, trong khuôn khổ hợp tác giữa chương trình BIODEV2030 thuộc WWF-Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng, Hội thảo “Thúc đẩy cam kết thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học trong hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ” đã được tổ chức thành công, với sự tham dự của gần 60 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ liên quan trong lĩnh vực trồng rừng và chế biến gỗ.

Hội thảo “Thúc đẩy cam kết thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học trong hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ”.

Hội thảo “Thúc đẩy cam kết thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học trong hoạt động trồng rừng và chế biến gỗ”.

Hội thảo hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng rừng và chế biến gỗ về những giá trị thiên nhiên và các mối đe dọa làm suy thoái đa dạng sinh học đến từ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng không bền vững; giới thiệu một số thực hành sản xuất xanh, bền vững trong chuỗi trồng và chế biến gỗ; cũng như xác định các doanh nghiệp tham gia cam kết tự nguyện các mô hình sản xuất kinh doanh bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đồng Thị Ánh, Ủy viên Ban chấp hành VCCI chia sẻ: “Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng kinh tế được hình thành 11 tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Trong những năm qua, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, định hướng phát triển, vị thế kinh tế của vùng ngày càng cải thiện. Hội thảo lần này được diễn ra tại Bình Định là 1 trong 4 trung tâm xuất khẩu đồ gỗ của cả nước, là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp gỗ và lâm sản vào tỉnh để xây dựng nhà máy sản xuất. Do đó, về cơ bản tỉnh Bình Định đã có những tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững.”  

Bà Đồng Thị Ánh - Ủy viên Ban chấp hành VCCI phát biểu khai mạc.

Bà Đồng Thị Ánh - Ủy viên Ban chấp hành VCCI phát biểu khai mạc.

Cũng theo bà Ánh, bên cạnh những cơ chế, chính sách phù hợp từ các cơ quan chức năng, rất cần có sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng để có thể hướng tới mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững.

Nhận định về vai trò của phát triển bền vững, ông Nguyễn Thành Trung, đại diện VBCSD cho biết, phát triển bền vững là con đường duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều sự biến động, và khủng hoảng căng thẳng, chưa từng có trong tiền lệ.

Cũng theo ông Trung, tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, yêu cầu về phát triển bền vững đã được thống nhất xuyên suốt từ định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, cho đến những quy định cụ thể trong các bộ luật. Trên bình diện thế giới và Việt Nam đều công nhận vại trò quan trọng của doanh nghiệp để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Sản xuất thân thiện với môi trường, thúc đẩy đa dạng sinh học là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng rừng và chế biến gỗ.

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết phát triển bền vững là con đường tất yếu và duy nhất cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết phát triển bền vững là con đường tất yếu và duy nhất cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Cùng nhận định với ông Trung, Quản lý chương trình BIODEV2030, đại diện cho WWF-Việt Nam, ông Vương Quốc Chiến làm rõ thêm về mối quan hệ của hoạt động sản xuất và tiêu dùng với suy thoái đa dạng sinh học. Nếu tiền bạc là thước đo, thì các dịch vụ do các hệ sinh thái cung cấp ước tính có giá trị hàng ngàn tỷ USD – gấp đôi GDP của toàn thế giới. Chỉ riêng sự suy giảm đa dạng sinh học ở Châu Âu đã khiến lục địa này mỗi năm bị thiệt hại khoảng 3% GDP (tương đương 450 tỷ euro).

>>>EVFTA thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững

Ông Chiến nhấn mạnh bảo vệ đa dạng sinh học phải là nhiệm vụ cấp bách và cách tiếp cận toàn xã hội, với sự tham gia của Chính phủ, các tổ chức xã hội và khối doanh nghiệp, là rất cần thiết. Đại diện WWF-Việt Nam cũng cập nhật đến đại biểu các quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Luật Lâm nghiệp 2017 có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam.

Ông Vương Quốc Chiến, đại diện WWF-Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ đa dạng sinh học là nhiệm vụ cấp bách.

Ông Vương Quốc Chiến, đại diện WWF-Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ đa dạng sinh học là nhiệm vụ cấp bách.

Cũng đại diện WWF-Việt Nam, bà Nguyễn Bích Hằng, Quản lý Dự án thúc đẩy chuỗi thương mại gỗ bền vững, đã giới thiệu đến đại biểu về các sáng kiến của WWF nhằm thúc đẩy kinh doanh gỗ bền vững và mang lại các giá trị với môi trường và xã hội. Theo chia sẻ của bà Hằng, Liên minh Rừng bền vững đóng góp vào hoạt động chống suy thoái rừng và mất rừng; giảm mất mát đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái; khôi phục khả năng phục hồi và quy mô của rừng thế giới; mang lại lợi ích cho con người và hỗ trợ sinh kế bền vững. Tại vùng cảnh quan Trung Sơn, ba mô hình FSC® đang hoạt động tốt, xây dựng sổ tay hướng dẫn FSC® , áp dụng Bộ tiêu chuẩn FSC® quốc gia đã được phê duyệt, và thực hiện Mô hình chứng chỉ nhóm FSC® chuyển đổi thành HTX Lâm nghiệp bền vững. Bà cũng giới thiệu về tập huấn xây dựng kế hoạch kinh doanh thương mại gỗ bền vững sắp tiến hành trong 6 tháng tới của WWF, mời các doanh nghiệp có quan tâm tham gia.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được cập nhật các thông tin từ kết quả nghiên cứu “Phân tích đặc tính kinh tế của chuỗi lâm nghiệp và mối quan hệ với đa dạng sinh học” từ TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ông Trần Đại Nghĩa trình bày kết quả nghiên cứu “Phân tích đặc tính kinh tế của chuỗi lâm nghiệp và mối quan hệ với đa dạng sinh học”

Ông Trần Đại Nghĩa trình bày kết quả nghiên cứu “Phân tích đặc tính kinh tế của chuỗi lâm nghiệp và mối quan hệ với đa dạng sinh học”.

Ông Nghĩa cho biết các tác nhân chính ảnh hưởng đến sự bền vững về đa dạng sinh học (ĐDSH) trong ngành lâm nghiệp gồm: cơ chế-chính sách, cấu trúc quản lý ngành hàng và 3 loại rừng, vai trò dẫn dắt của chủ thể đầu tàu và sự cam kết tham gia của các bên liên quan. Với kịch bản phát triển thông thường, để đạt được các mục tiêu đề ra, ĐDSH trong ngành lâm nghiệp sẽ suy giảm dần, bắt đầu từ 2025; ngược lại mục tiêu kép về phát triển ngành và giảm tác động lên ĐDSH chỉ đạt được nếu các can thiệp bền vững được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ông Nghĩa cũng đưa ra một số kiến nghị như lồng ghép các kịch bản về ĐDSH vào việc xây dựng và thực hiện chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp; thúc đẩy quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung và tích tụ đất đai (qua các hoạt động liên kết dọc – liên kết ngang giữa các chủ thể có liên quan trong chuỗi) để có diện tích đủ lớn cho phát triển rừng trồng chu kỳ dài kèm theo chính sách bảo hiểm rủi ro với rừng trồng chu kỳ dài; đẩy mạnh việc hạch toán tài nguyên rừng vào hệ thống tài khoản quốc gia.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng có sự tham gia của đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Định với phần chia sẻ về xu hướng của Việt Nam và quốc tế về chuỗi cung ứng gỗ, kết quả hoạt động của ngành gỗ tỉnh Bình Định trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 629 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 64% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Các đại biểu cũng được lắng nghe chia sẻ thực hành tốt về mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ rừng FSC từ đại diện Hội chủ rừng phát triền bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế. Những chia sẻ rất thực tế và ý nghĩa này nhận được đánh giá rất cao từ các đại biểu tham gia chương trình.

Trước đó, WWF-Việt Nam và VBCSD cũng đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản Thành phố Cần Thơ tổ chức thành công Hội thảo "Hỗ trợ thực hiện cam kết thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và các nguy cơ gây mất đa dạng sinh học trong hoạt động nuôi trồng và chế biến thúy sản" vào ngày 14/7/2022 tại Tp. Cần Thơ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tuyên Quang hướng tới trung tâm sản xuất chế biến gỗ

    11:23, 22/04/2022

  • Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn: “5 năm tới, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”

    04:00, 11/02/2022

  • Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh thu xuất khẩu gỗ giảm gần 40%

    03:30, 29/07/2022

  • Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát

    07:11, 15/07/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

    20:13, 10/03/2022

THY HẰNG