CSI hỗ trợ nắm bắt cơ hội kinh doanh mới
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD: Bộ chỉ số CSI giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.
>>>CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: Bộ chỉ số CSI là công cụ đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội, phù hợp với bối cảnh chính trị xã hội trong nước cũng như thông lệ quốc tế.
- Sau 6 năm triển khai Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI), ông đánh giá như thế nào về tác động của Bộ chỉ số CSI đối với quản trị doanh nghiệp bền vững?
Sau 06 năm triển khai Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy việc ứng dụng Bộ Chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi ghi nhận các doanh nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi trong lĩnh vực quản trị nhằm hướng tới mô hình kinh doanh minh bạch, có trách nhiệm với môi trường và phát triển cộng đồng. Điều này sẽ có tác động tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia Chương trình và ứng dụng Bộ Chỉ số có năng suất lao động và trung bình hiệu suất sử dụng lao động cao hơn đáng kể, thu nhập trung bình của người lao động cũng cao hơn, đóng góp cho xã hội lớn hơn so với các doanh nghiệp chưa quan tâm đến Bộ Chỉ số. Các doanh nghiệp ứng dụng Bộ Chỉ số CSI cũng cho thấy năng lực cạnh tranh tốt hơn, đặc biệt trong khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm được đầu tư hơn và nguồn cung ứng bền vững được đảm bảo.
Việc được bình chọn trong danh sách “Doanh nghiệp bền vững” giúp mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông.
Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững 2022 tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, không phân biệt quy mô. Hạn chót nhận hồ sơ doanh nghiệp là ngày 31/8/2022. Doanh nghiệp quan tâm có thể tham khảo thông tin chương trình tại website https://vbcsd.vn/csi/
Theo thống kê trên phần mềm khai hồ sơ trực tuyến, có đến hơn 40% doanh nghiệp tham gia năm nay là doanh nghiệp mới. Điều này cho thấy tính lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình và Bộ chỉ số CSI trong cộng đồng doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó có phải là rào cản trong việc triển khai áp dụng Bộ chỉ số CSI, thưa ông?
Thực hành ứng dụng Bộ Chỉ số CSI vẫn còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng qua 06 năm triển khai và phát triển, đến nay Bộ Chỉ số đã được nâng cấp ngày càng hoàn thiện, trở nên thân thiện và gần gũi hơn với các tiêu chí chi tiết và cụ thể, dễ áp dụng đối với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước.
Trong 130 chỉ số của CSI 2022, có tới 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 32%. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung, và dễ dàng được đánh giá cao trong Chương trình nói riêng.
Cần nhấn mạnh rằng dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tuân thủ pháp luật cũng là yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải thực hiện. Như vậy, áp dụng Bộ chỉ số CSI không hề xa tầm với của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI cho biết Bộ chỉ số có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh; rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.
- Về lâu dài, xin ông cho biết giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững và vai trò của Bộ Chỉ số CSI trong quá trình này?
Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là sứ mệnh quan trọng hướng tới phát triển bền vững và cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD trong đó nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%.
Do đó, để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp là xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững và nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.
Quan trọng và cần ưu tiên hơn cả là công tác xây dựng chính sách, công cụ huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững. Một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện có thể thu hút nguồn tài chính xanh hiệu quả trong nước và quốc tế thông qua các công cụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hướng đến từng bước vận hành thị trường các-bon, áp dụng công cụ thuế với hoạt động phát thải nhiều các-bon. Việc hoàn thiện chính sách cũng sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh để thể chế hóa, tăng quy mô, tăng tính bao trùm, toàn diện của cơ chế tài chính, tạo điều kiện để bên có nhu cầu tiếp cận nguồn lực nhanh hơn.
>>>Lan toả chiến lược phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp
Cuối cùng, cần nâng cao tính minh bạch trong tài chính xanh, bằng cách xây dựng chỉ tiêu thống kê, công bố thông tin chủ thể phát hành tài chính xanh, chỉ tiêu phát hành tín dụng xanh và đánh giá rủi ro và có cơ sở dữ liệu.
Trong quá trình triển khai các giải pháp trên, Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI cũng như yêu cầu báo cáo bền vững doanh nghiệp cần được nâng cấp và thể chế hóa mạnh mẽ hơn nữa, đóng vai trò làm căn cứ đánh giá và yêu cầu các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều phải hướng tới sản xuất kinh doanh sử dụng tài nguyên hiệu quả, từng bước cắt giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng các doanh nghiệp đạt chuẩn theo đánh giá của Bộ Chỉ số, cũng như các doanh nghiệp có sáng kiến và đầu tư công nghệ mới sẽ có cơ chế ưu đãi nhằm dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các nguồn tài chính và tín dụng xanh. Về tổng thể, nguồn lực nhà nước sẽ dẫn dắt khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia một cách hiệu quả vào tiến trình đầu tư xanh, bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
CSI 2022: Cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển bền vững
03:00, 27/05/2022
Phát động Chương trình CSI 2022
12:41, 26/05/2022
CSI 2022: Thước đo tính bền vững của doanh nghiệp
04:21, 26/05/2022
Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại CSIS: "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn"
18:00, 12/05/2022