Vườn cam Vạn Yên - điểm đến của du lịch sinh thái

MINH HUỆ 29/03/2023 01:00

Du lịch sinh thái nhà vườn ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn của giới trẻ và các gia đình

>>>Ẩm thực – "Gia vị" hấp dẫn cho ngành du lịch

Thời gian gần đây làng cam Vạn Yên  huyện vân Đồn, Quảng Ninh lại tấp nập bước chân du khách đổ về tham quan, chụp ảnh, nghỉ ngơi cuối tuần.

Khai thác giá trị từ cây cam

Nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 10 km, xã Vạn Yên là xã có nhiều đồi và rừng. Với không khí trong lành, mát mẻ, thích hợp cho cây cam phát triển. Hiện nay tại địa phương có hơn 100 hộ gia đình trồng cam, tổng diện tích gần 200 ha, trung bình mỗi năm thu hoạch đạt trên 200 tấn.

Theo chủ vườn cam HTX 10/10 bà Lê Thị Bảy, gia đình bà có hơn 700 cây cam có tuổi từ 4 năm đến 10 năm, vườn cam đã được thu hoạch. Mấy năm gần đây gia đình bà mở thêm các dịch vụ cho khách vào trải nghiệm và thu hái cam và kết hợp ăn uống. Hầu hết khách đến tham quan đều hái từ 5 kg đến 10 kg mỗi khách. Nhờ đó, HTX của bà tiêu thụ được một lượng cam rất lớn.

Cam Vạn Yên có màu vàng ươm, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Cam Vạn Yên có màu vàng ươm, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích (ảnh báo Quảng Ninh)

Cách vườn cam HTX 10/10 khoảng hơn 2 km là nhà vườn HTX 68 Nông trang, nơi có vườn cam lớn nhất Vạn Yên. Với diện tích hơn 10 ha, 6.000 cây cam các loại. Theo ông Trần Văn Hậu – Chủ vườn cho biết: Mỗi năm vườn cam của ông thu hoạch được 70 tấn, với doanh thu gần 2 tỷ đồng. Vườn cam nhà ông có ngày cao điểm có trên 700 lượt khách. 

Thời gian gần đây, giống cam Vạn Yên của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) trở nên nổi tiếng, là một trong những loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh với vị thơm ngon, ngọt đậm đà. Loại nông sản này ngày càng được thị trường tiêu dùng địa phương cũng như các vùng lân cận ưa chuộng. 
Nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển bền vững cây cam, đến nay các hộ gia đình tại xã Vạn Yên đã kết nối, hình thành 2 HTX, đó là HTX 86 Nông trang Vạn Yên và HTX Cam 10/10.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vân Đồn cho biết: Cam Vạn Yên là cây trồng chủ lực của huyện Vân Đồn. Diện tích trồng cam được mở rộng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế cao mà còn phục vụ hình thức du lịch nông nghiệp – đây là hướng đi mới cho sản xuất, tiêu thụ cam và phát triển du lịch sinh thái tại huyện Vân Đồn. Cây cam ở đây được người dân trồng, chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra, phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam rất sạch và ngon, ngọt. Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. 

Du khách vui chơi, check in tại vườn cam Vạn Yên - Vân Đồn (ảnh báo Quảng NInh)

Du khách vui chơi, check in tại vườn cam Vạn Yên - Vân Đồn (ảnh báo Quảng NInh)

Mở hướng cho du lịch nông nghiệp

Trước kia, xã Vạn Yên chỉ có khoảng vài hộ trong thôn 10-10 trồng cam, sau thấy nhiều người tới vườn cam ngỏ ý muốn tham quan, chụp ảnh, mua cam mang về..., nhiều chủ vườn đã chuyển sang mở rộng mô hình.

Theo lãnh đạo huyện Vân Đồn: Trong khoảng một năm trở lại đây, nhất là vào thời điểm cam vào vụ thu hoạch, chủ vườn thường mở cửa đón du khách đến tham quan và mua cam tại vườn.  

Hiện nay, nhiều chủ vườn cũng đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ ngơi, ăn trưa, nướng đồ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.

Để tiếp tục phát triển du lịch trải nghiệm từ thương hiệu cam Vạn Yên, huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng "Đề án phát triển cây trồng bản địa", trong đó có phát triển thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên. Theo ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, để nâng cao giá trị sản xuất đối với cây cam, các đơn vị sản xuất, nông dân cần tiến hành canh tác rải vụ, trồng thêm các giống cây cam chín sớm, chín muộn để có thể thu hoạch kéo dài, tránh tập trung vào một vụ ngắn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển, mở rộng diện tích được quy hoạch và phát triển theo hướng sản xuất an toàn VietGAP,...

Đồng thời, chú trọng tổ chức lễ hội cam thu hút du khách nhằm quảng bá sản phẩm cam gắn với du lịch trải nghiệm. Để phát triển sinh kế lâu dài cũng như khai thác tối đa tiềm năng của cây cam, các đơn vị sản xuất và hộ trồng cần chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân và khách tham quan du lịch... Qua đó, cung cấp đa dạng các gói dịch vụ phục vụ khách du lịch có thể trải nghiệm dài ngày tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch phát triển, hàng không mới “cất cánh”

    Du lịch phát triển, hàng không mới “cất cánh”

    20:19, 28/03/2023

  • Mở rộng dư địa du lịch nông nghiệp – Bài 1: Nguy cơ

    Mở rộng dư địa du lịch nông nghiệp – Bài 1: Nguy cơ "lỡ nhịp" với xu thế

    17:05, 28/03/2023

  • “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    “Mở lối” cho du lịch dược liệu Quảng Nam

    15:50, 28/03/2023

MINH HUỆ