Con đường lan tỏa màu sơn quý

ANH VÂN 21/01/2023 04:00

Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc.

Sơn mài là một không gian nghệ thuật thấm đẫm hồn Việt. Sẽ càng độc đáo hơn khi nghệ thuật sơn mài được kết hợp với sơn khắc, với hàng loạt công đoạn từ khắc lõm, lên màu sơn mài… và thếp vàng, thếp bạc tỉ mỉ,…

 Bức tranh chân dung Nguyễn Trãi được chuyển thể sang chất liệu sơn mài.

Bức tranh chân dung Nguyễn Trãi được chuyển thể sang chất liệu sơn mài.

Tất cả nhằm tạo nên những sắc màu mới, lớp lớp giá trị mới, thêm phần sâu sắc, thêm phần lắng đọng, tôn vinh giá trị Việt.

Thổi hồn mới cho những nét đẹp xưa

Mới đây, triển lãm “Con đường” với gần 100 tác phẩm nghệ thuật khai thác các đề tài quen thuộc từ 3 dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng… trên chất liệu sáng tác hoàn toàn mới là sơn mài khắc. Đây là sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc không gian nghệ thuật Latoa Indochine. Các tác phẩm cho người xem những góc nhìn độc đáo, mới lạ và thú vị về dòng tranh truyền thống. Các nghệ sỹ và nhà tổ chức mong muốn khơi dậy ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa lịch sử của dân tộc nói chung, giá trị nghệ thuật của các dòng tranh dân gian nói riêng, tạo tiền đề phát triển tranh dân gian trên sơn mài trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô.

Theo quan sát của người viết, có một điểm vô cùng thú vị là triển lãm không chỉ thu hút sự chú ý của những người lớn tuổi, những người yêu mến nghệ thuật dân gian, mà còn rất được các bạn trẻ, thậm chí là các bạn GenZ quan tâm.

Ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine cho biết: “Đây là hành trình mà Latoa Indochine đã ấp ủ từ lâu, một hành trình với tình yêu và sự trân quý dành cho nét đẹp văn hoá dân tộc; mong muốn gìn giữ, tôn vinh và tiếp nối những giá trị nghệ thuật dân gian xưa cũ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, như một cách lưu giữ và phản ánh sắc thái, phong tục, tập quán mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S”.

Tranh sơn mài khắc là sự kết hợp sáng tạo và độc đáo của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Một tác phẩm được hoàn thiện có thể lên tới hơn 20 lớp khác nhau, thông qua nhiều công đoạn từ khắc lõm, lên màu sơn mài… và thếp vàng, thếp bạc tỉ mỉ. Thời gian hoàn thiện có thể lên tới từ 2 đến 3 tháng. Thành phẩm cuối cùng là những bức tranh có hình ảnh vô cùng sắc sảo, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy hiển hiện tầng tầng, lớp lớp màu sang trọng và đẹp mắt. Theo ông Phạm Ngọc Long, kỹ thuật này được hình thành sau một thời gian rất dài tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm của các nghệ sĩ, với trăn trở làm sao để giữ gìn, lan toả được di sản văn hóa mà cha ông để lại, đồng thời nâng tầm giá trị tranh dân gian Việt Nam.

 Triển lãm tranh sơn mài

Triển lãm tranh sơn mài "Con đường" mang góc nhìn thú vị, sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc.

Màu thời gian

Say sưa chiêm ngưỡng những tác phẩm văn hoá dân gian đã được nâng tầm, nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê nhận xét: “Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn”.

Các tác phẩm được giới thiệu gồm 3 nhóm tranh chính: tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống và tranh có âm hưởng Phật Giáo – Nho Giáo. Trong đó, các đề tài tranh dân gian được ứng dụng, sáng tác với các màu sắc phong phú. Bức tranh Thần Kê làng tranh Kim Hoàng là một trong những tranh nổi tiếng đã được phục dựng. Người xưa tin rằng nếu dán 2 bức tranh gà trước cửa ma quỷ không dám đến quấy phá.

Tranh Ngũ Hổ, thuộc dòng tranh Hàng Trống thể hiện mong ước gửi gắm con người nơi ngũ phương, trấn yểm khỏi những thế lực xấu. Tranh mượn 5 “Ông Hổ” để đại diện cho Ngũ Hành, tức vũ trụ tương sinh, tương khắc, tạo ra không gian sinh tồn của vạn vật, trong đó có con người.

Nhiều bức tranh có cảm hứng từ Phật giáo và Nho Giáo: Bức phóng tác tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”, “Hương Vân Đại Đầu Đà”…

Đặc biệt là bức tranh chân dung Nguyễn Trãi. Đây là một tác phẩm quý, sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội sau triển lãm để người yêu hội hoạ có thể tìm hiểu về nghệ thuật sơn mài khắc ở trình độ đỉnh cao. Bức tranh gốc được vẽ bột màu trên nền vải vào năm 1917, đề ký tên tác giả là: P.D.TUE, 1/1/1917, có kích thước dài 220x200cm. Bức chân dung sơn mài khắc có kích thước 106x106cm, được vẽ theo nét vẽ cách điệu, hoà sắc điêu luyện, nhiều đường cong có suy tính theo công thức nhất định. Để lên được “thần” của bức tranh này, những người nghệ sỹ đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn khó, để khi tác phẩm hoàn thành, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào trong gian trưng bày, người xem cũng có cảm giác như đang được giao tiếp với danh nhân Nguyễn Trãi. Một cuộc kết giao quá khứ và hiện tại vô cùng đặc biệt.

Sau sự thành công tại Hà Nội, Latoa Indochine có mong muốn triển lãm nghệ thuật sơn mài khắc Con đường giới thiệu với công chúng yêu mến nghệ thuật tại TP.HCM trong dịp đầu năm 2023.

Latoa Indochine được thành lập tháng 6/2022, hội tụ các hoạ sỹ với các tên tuổi đã quen thuộc trong giới nghệ thuật như Lương Minh Hoà, Nguyễn Văn Phúc (H.T.Phúc).... cùng với sự cộng tác kĩ thuật của Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Đình Duy, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn, Đinh Quang Hùng, Nguyễn Văn Điện.

Tuy mới thành lập, nhưng mối liên hệ của các nghệ sỹ đã trải qua thời gian khá lâu, để tạo nên sự kết nối đặc biệt. Đó là sự kết nối của những con người có cùng đam mê, tâm huyết với sơn mài và văn hoá dân gian, để tạo nên một bước ngoặt mới, giao hoà giữa những giá trị truyền thống và nhịp thở của thời đại mới.

Có thể bạn quan tâm

  • "Giấc mơ màu" của các hoạ sĩ "tay ngang"

    10:42, 08/11/2022

  • Ai-Da - robot… họa sĩ

    Ai-Da - robot… họa sĩ

    02:03, 11/04/2022

  • Họa sĩ 42 tuổi kiếm được hơn 738.000 USD chỉ trong 32 phút nhờ NFT

    Họa sĩ 42 tuổi kiếm được hơn 738.000 USD chỉ trong 32 phút nhờ NFT

    02:36, 19/03/2022

ANH VÂN