[CẢM XÚC XUÂN] Sắc màu văn hoá Tết của người Dao Ba Chẽ, Quảng Ninh
Huyện Ba Chẽ hiện có 14 dân tộc anh em cùng cư trú, và có đến 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó người Dao (Thanh Y, Thanh Phán, Lô Gang) chiếm 45,2%
>>>CẢM XÚC XUÂN: Đâu đây như vừa mới giao thừa
Từ sắc màu ...
Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Chẽ, đồng bào người Dao cư trú ở những nơi có địa hình vùng núi cao, nơi có khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn đất và nguồn nước dồi dào. Những dấu ấn của người Dao Thanh Phán được thể hiện qua các yếu tố văn hóa phi vật thể mang bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Nét văn hóa Tết đặc trưng nhất đó là nghi lễ nhảy lửa. Có lẽ do cuộc sống gắn bó với thiên nhiên lâu đời, nên người Dao rất coi trọng các vị thần linh như: Thần Lửa, thần Rừng, thần Nước, thần Núi. Trong đó, thần Lửa đem lại cho họ sức mạnh, sự tự tin và dũng cảm trong quá trình chinh phục tự nhiên.
Trong nghi thức nhảy lửa, có vai trò quan trọng của thầy cúng với các vật dụng tạo âm thanh (trống được làm từ cây gù hương, mặt trống được làm từ da con sơn dương), lễ vật cúng gồm 1 con gà trống, 5 chén rượu, 5 chén chè, 1 bát gạo được bọc trong 1 mảnh vải trắng, 1 thanh kiếm. Việc da thịt con người tiếp xúc được với lửa mang những nét huyền bí và khoa học chưa thể giải thích được.
Vốn là cư dân nông nghiệp, từ bao đời nay, phụ nữ người Dao đều coi trọng việc ăn mặc, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục thể hiện những khát vọng sống, tâm tư và tình cảm. Trang phục của người Dao Thanh Phán được mặc trong đời sống hàng ngày, đặc biệt trang phục nữ giới.
Đến Ba Chẽ, du khách dễ dàng nhìn thấy những tốp phụ nữ mặc trang phục truyền thống tại các chợ, trên các con đường lên nương, lễ hội, đi ăn cưới hoặc sinh hoạt trong nhà. Điểm đặc biệt trong trang phục nữ Dao Thanh Phán là hoa văn được thêu tay khá cầu kỳ. Riếng các trang phục dành cho ngày lễ, tết thì được theo tay rất cầu kỳ. Các họa tiết không theo mẫu in sẵn mà được thực hiện thành thục bằng sự khéo léo và trí nhớ, nổi trội hơn cả là họa tiết hình chân chó, đây là biểu tượng vị thủy tổ của người Dao.
Họ cho rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh được mọi tai ương, bất trắc. Bên cạnh đó là các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao như hình lưỡi bừa, con đường, con chim, súng, ruột chó, cây sâm, mặt trời, con người, cầu vồng, cây hẹ, hoa đậu đũa, hạt dưa nương, lá cây...
Trong đời sống văn hoá tinh thần, hát dân ca của người Dao Thanh Phán cũng rất phong phú, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hát dân ca được chia thành hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Hát đối đáp thường áp dụng khi làm quen, tìm hiểu nhau, chia làm hai bên nam - nữ, tối thiểu mỗi bên có một người. Chủ đề gồm các bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, lao động, sản xuất...
Người Dao Thanh Phán đón Tết sớm. Từ 15 tháng chạp trở đi, tất cả anh em họ hàng trong dòng tộc tổ chức ăn Tết tại nhà lớn (nhà tổ), để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho dòng họ một năm mạnh khỏe, bình an, làm ăn thuận lợi. Lễ cúng gia tiên gồm 6 con gà mái, 1 con gà trống, nếu đối với người nhập đồng lễ tạ ơn thêm 1 con gà trống, thịt lợn, bánh trưng, rượu. Sau khi ăn Tết tại nhà lớn, các gia đình trong gia tộc mới ăn Tết tại nhà riêng.
>>CẢM XÚC XUÂN: Nhớ… chả ốc nướng lá lốt
>>CẢM XÚC XUÂN: Dập dịu xòe Thái
... đến phát huy bảo tồn văn hóa phi vật thể
Ông Triệu Xuân Hồng, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, là người có uy tín trong cộng đồng người Dao ở Ba Chẽ cho biết: Hát đối của người Dao ở Ba Chẽ hay còn gọi là hát giao duyên là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Dao. Hát đối được dùng trong các ngày tết, ngày hội với nội dung đề cập đến sinh hoạt, đời sống của người dân.
Đúng như tên gọi của nó, hát đối là hình thức đối đáp giữa một nhóm nam và một nhóm nữ, để bày tỏ tình yêu nam nữ. Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều tình cảm sâu lắng, nhất là khi trai gái hát tìm bạn.
Thông qua hát đối, đã có nhiều đôi trai gái nên vợ, nên chồng… Vì vậy, hát đối có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người có thể chưa hề quen biết với nhau.
Hát đối mang nặng âm hưởng dân ca, khi điệu đối cất lên không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, địa điểm nào, chỉ cần có người để hát đối là có thể hát cùng. Vì vậy, hát đối được ví như tiếng hát chân tình, nguồn suối mát lành trong tâm hồn của dân tộc Dao nơi đây. Có lẽ vì thế, người Dao ở Ba Chẽ trước đây hầu hết ai cũng biết hát đối.
Tuy nhiên, theo thời gian hát đối của người Dao Ba Chẽ cũng dần bị mai một. Theo ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ: Nhằm bảo tồn làn điệu truyền thống, huyện đã vận động thành lập nhiều CLB, như: CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc. Huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch Ba Chẽ, đề án bảo tồn phục dựng văn hóa đồng bào Dao Thanh Phán, Thanh Y trên địa bàn. Bước đầu của việc thực hiện các đề án là cử đại diện của các thôn, làng, xã đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng, từng bước xây dựng một đội ngũ hạt nhân văn nghệ, nghệ nhân dân gian.
Những bài hát đối là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của họ. Chị Triệu Thị Tư, thành viên CLB hát đối thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, cho biết: CLB hát đối thôn là một trong những CLB duy trì sinh hoạt đều đặn và hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Tôi thường xuyên tham gia sinh hoạt, tôi thấy CLB này có ý nghĩa thiết thực. Ở đây, chúng tôi được gặp gỡ, chia sẻ những bài hát đối mà mình yêu thích và được nghe các thành viên khác trong CLB hát những bài hát đối do mình tự biên.
Chị Hoàng Thị Yến, thành viên CLB Nam Sơn cửa ngõ huyện Ba Chẽ cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia CLB này, ở đây chúng tôi được cùng nhau hát những bài hát mà mình yêu thích. Nội dung các bài hát đối thường ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, lao động sản xuất và tình yêu đôi lứa do chính các thành viên trong CLB tự biên, tự diễn”.
Hoạt động của các CLB đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, tạo nên sự phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc trong đời sống văn hóa các dân tộc ở Ba Chẽ.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: Ngoài việc thành lập, duy trì và phát triển các CLB trên địa bàn, chúng tôi đã tổ chức cho người dân và thành viên trong các CLB sân khấu hóa các tiết mục để giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh, từ đó mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình, của quê hương Ba Chẽ lan tỏa hơn trong đời sống xã hội.
Đến với Ba Chẽ, nhân dịp Tết cổ truyền du khách sẽ tận mắt cảm nhận những gam sắc màu văn hóa dân tộc phong phú, trong đó có nét văn hóa độc đáo của các dân tộc người Dao một trong những tộc người còn lưu giữ bản sắc rất riêng trong vườn hoa sắc màu văn hóa dân tộc ở vùng miền núi Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh.
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm
“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
05:00, 01/01/2023
CẢM XÚC XUÂN: Lộc Xuân đang tới
19:58, 15/02/2022
CẢM XÚC XUÂN: Hương hoa ấm áp mùa Xuân
02:04, 10/02/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tiếng chim gọi mùa ra sấm mới...
01:14, 10/02/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tiếng khèn nghiêng ngả đêm tình Sapa
11:00, 08/02/2022