Côn Sơn - viên ngọc cần mài nhiều hơn

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN 07/11/2023 03:08

Viên ngọc Côn Sơn cần được mài nhiều hơn để thêm bừng sáng.

>>Yên Tử mùa thu - quen mà lạ

Đến thăm Côn Sơn độ cuối thu, chạy qua cung đường vàng yên ả, màu vàng lúa chín độ thu hoạch tươi sáng hơn dưới ánh nắng rực rỡ thu vàng. Hải Dương - vựa lúa lớn, hoa màu của đồng bằng duyên hải Bắc Bộ với những cánh đồng màu mỡ cho cây lúa nặng trĩu bông, vùng trồng màu xanh xanh của lá hành, lá tỏi hay ruộng thanh long xanh xù xì gai góc. Chạy song song cánh đồng là dãy núi lô nhô như sóng biển xanh thẫm đuổi nhau về phía chân trời. Nắng vàng, gió nhẹ thơm thơm mùi hương lúa chín thật dịu ngọt.

Từ quốc lộ 37 rẽ vào khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, thấy ngay hồ Côn Sơn như viên ngọc xanh treo giữa núi rừng, nước hồ trong xanh soi bóng trời thu, bao quanh hồ  rừng cây đổ lá, những rẻo thông cao vút với từng tán lá nhọn như bó tên màu xanh vươn ra giữa mây trời. Nhiều gia đình hạ trại, trải bạt trong rừng ven hồ dã ngoại, tiếng trẻ cười nô chạy lẫn vào tiếng thông reo, chim kêu thật hồn nhiên trong sáng.

Cung đường vào đầy nắng vàng mà thanh mát, bóng cây chen bóng nắng ngả xuống mặt đường mịn màng uốn khúc, lên xuống quanh co. Quần thể di tích danh thắng nằm gọn trong vòng tay của Côn Sơn, đền Ức Trai, chùa Côn Sơn, động Thanh Hư, Ngũ Nhạc linh từ…, nơi đây là rừng biếc non thiêng là một trong ba trung tâm nổi tiếng của thiền phái Trúc Lâm.

Chùa Côn Sơn xây dựng từ thế kỷ XIII, sau bao biến động thăng trầm của lịch sử vẫn giữ hồn cốt chùa cổ với hàng thông đen còn gọi là thông trầm. Loại thông chậm lớn hàng mấy trăm năm tuổi vẫn chỉ hơn vòng tay ôm, nhưng toả ra mùi hương thơm như mùi trầm độc đáo. Cây cối hoa lá cảnh sắc trong chùa đẹp trong sự bình lặng tôn nghiêm. Rêu xanh, phong lan mọc đầy trên cây cổ thụ, cây đại già xù xì gân guốc tạo nên không gian nhuốm màu cổ kính, trầm mạc. Trong chùa, hoa văn chạm trổ cùng hoàng phi, câu đối, sơn son thếp vàng cùng cảm giác mát lạnh khi bước vào, giúp du khách như lạc bước vào thế giới từ bi, hỉ xả của cõi Phật.

>>Trải nghiệm mùa vàng Tây Nguyên

>>Cát Bà - mọi thứ trong một ngày

>>Bạch Long Vĩ diệu kỳ và bí ẩn giữa trùng khơi

Hương hoa thoang thoảng khắp nơi. Đường lên Ngũ Nhạc linh từ với các bậc đá dốc cao xuyên qua rừng thông với tầng dưới có rất nhiều cây lá, tiếng nhạc hầu văng vẳng từ xa giữa thâm u huyền bí của núi rừng. Lối lên xuống được lát đá xanh chắc chắn, độ cao không lớn, chưa đủ mệt là tới đỉnh non thanh thuỷ tú.

Nơi đây còn là hiểm địa có vị trí quân sự chiến lược chống lại sự xâm lấn từ mặt bắc, nơi hội tụ của hai mạch núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân tạo thành nơi trời đất giao hoà. Năm đỉnh núi đăng đối với nhau như ngũ hành kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, năm loại vật chất khởi nguồn tạo ra muôn loài theo triết lý phương Đông.

Có lẽ vì thế mà bao đời các danh nhân, trí sĩ như đại tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Chu Văn An đều chọn khu vực này để làm nơi cư ngụ cũng như suy tư việc nước.

Đứng trên đỉnh Ngũ Nhạc, phóng mắt xuống thấy toàn cảnh vùng Chí Linh, xa hơn là thành phố Hải Dương ẩn hiện trong tầm mắt. Hãy chọn lối đi xuyên rừng sang bàn cờ Tiên để thấy cảm giác lá thông rơi đỏ lối đi, làm bước chân thêm êm ái, nghe tiếng  thông reo vi vu u u như tiếng hát, thấy quả thông rụng trên lối mòn, bướm bay chập chờn bên thảm lá.

Lối đi không quá khó, trời khô ráo nên rất an toàn, là cung đường lý tưởng cho những ai muốn luyện chân cho các cung leo núi khó hơn. Bước chân trên non thiêng - nơi địa linh nhân kiệt như có sinh khí của núi rừng tiếp thêm cho bước chân vững vàng, dẻo dai hơn. Trời nắng rực rỡ, nắng đậu trên ngọn thông rồi thả mình rơi trên thảm lá, đổ vàng lên tán lá xanh non hoan hỉ.

Giữa chặng đường có ông cụ chăng bạt bán nước ngoài bảy mươi mà vẫn khoẻ mạnh yêu đời, coi bán hàng như một niềm vui chứ thu nhập chắc chẳng thay đổi được gì nhiều cho cuộc sống. Ngồi nói chuyện với ông, hiểu thêm về vùng đất - nơi có giống sen ướp trà thơm ngát, có truyền thuyết “Ông Thông, bà Rễ”, cả câu chuyện về nỗi oan thấu trời của anh hùng Nguyễn Trãi - tác giả của bản thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”.

Lên bàn cờ tiên, ngả người trên cánh võng ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng, đón từng cơn gió mát lành từ thung lũng thổi lên, bao nhiêu mỏi mệt dường như tan biến. Men theo lối chính đường về ghé qua giếng Ngọc - nơi có mạch nước mát ngàn năm không cạn, rửa sạch mặt mũi chân tay, thấy mình như đang sống lạc vào hư ảo khi xung quanh là nhiều toà tháp rêu phong nơi các vị cao tăng, chân tu viên tịch.

Điều nuối tiếc duy nhất là với cảnh sắc như vậy mà du khách đến với Côn Sơn còn thưa vắng, có lẽ Hải Dương cần thay đổi để thu hút thay vì xuân thu nhị kỳ có hai dịp lễ hội rồi lại chìm vào yên ắng. Cần có sự đầu tư quy mô bài bản mà không bê tông hoá, phá vỡ cảnh quan.

Hãy liên hệ tới các trường dạy về văn học, lịch sử cho người học chọn đây là nơi trải nghiệm và nghiên cứu. Tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp Côn Sơn, sáng tác về Côn Sơn. Dịch vụ cần số hoá hiện đại, thay vì cái barie bằng tre và tờ vé xé tay như của ba mươi năm trước, thẻ từ, chip điện tử sẽ thay thế nhân sự bán vé, gác cổng.

Phong trào chạy bộ đang bùng nổ. Hãy tổ chức giải chạy Côn Sơn thu hút người chạy, người cổ vũ đến với Côn Sơn, thay vì chen chúc tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Khu nghỉ dưỡng cần quy hoạch đầu tư kèm các dịch vụ cao cấp kết nối với sân Golf.

Viên ngọc Côn Sơn nếu làm được những điều này sẽ càng thêm bừng sáng.

Có thể bạn quan tâm

  • Tinh hoa văn hóa, du lịch Ninh Thuận hội tụ tại Cần Thơ

    09:49, 06/11/2023

  • Sa Pa (Lào Cai): Định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới

    11:39, 05/11/2023

  • Liên kết quảng bá du lịch Quảng Nam

    07:47, 05/11/2023

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN