Tả Liên Sơn - Cung đường cổ tích
Ruộng bậc thang vẽ thành đường cong mềm mại ôm vòng quanh chân núi. Xa xa, nhiều đỉnh núi xanh thẫm thấp thoáng nhấp nhô lên xuống đều đặn.
>>Những góc Phú Quốc đẹp sững sờ khiến bạn chỉ muốn xách ba lô lên và đi ngay
Đại dịch COVID-19 gây hậu quả về người và của. Nền kinh tế hậu COVID-19 vẫn đang bị ảnh hưởng tiếp tục suy thoái gây khó khăn cho doanh nghiệp, đời sống người dân. Bên cạnh sự tiêu cực thì như “tái ông mất ngựa”, đại dịch làm thay đổi quan niệm sống của nhiều người khi họ nhận ra: Thay vì theo đuổi mục tiêu kinh tế, thứ không có giới hạn mà quên đi niềm vui cuộc sống; thì hãy tận hưởng sự thú vị của cuộc đời, niềm vui cũng là liều thuốc cho sức khoẻ.
Đi qua dịch bệnh thì sức khoẻ, tính mạng bản thân và người thân mới là quý giá nhất, tiền bạc, tài sản là “vật ngoại thân”. Trong thời điểm dịch bệnh có phong trào phát triển giờ thành trào lưu cho nhiều người như: chạy bộ, leo núi…
Leo núi có tác dụng tốt cho thể lực và giúp cân bằng tâm lý. Nhiều chân lý, triết lý đơn giản mà không phải lúc nào, không phải ai cũng nhận ngay ra được sẽ được nghiệm ra khi leo núi.
Cung đường đến Tả Liên Sơn
Muốn lên được núi cao phải đổ nhiều mồ hôi, lên đỉnh không phải đích đến mà là một hành trình. Sự gian nan, thử thách từ các con dốc cũng giống như những khó khăn vất vả của cuộc đời, quyết tâm vượt qua hay dừng lại, quay đầu, quyết định nằm chính ở bản thân mình.
Tính cách của con người cũng thể hiện trong quá trình leo dốc, ai phàn nàn, oán thán, ai quyết tâm bám rễ, vin cành nghiến răng di chuyển… Đó cũng chính là thái độ sống, là nhân sinh quan của họ.
Lần thứ hai tôi đi leo núi với địa điểm là đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.996 mét) thuộc tỉnh Lai Châu, nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ có chiều cao đứng thứ 6 ở Việt Nam. Gần đó là những đỉnh nổi tiếng như Pu Ta Leng (cao 3.096 mét), Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 mét). Kinh nghiệm từ lần trước giúp tôi chuẩn bị hành lý gọn nhẹ, tâm lý sẵn sàng thoải mái hơn.
Sau 500 km di chuyển đi qua con đèo Ô Quy Hồ huyền thoại, một trong bốn “tứ đại danh đèo”, phía bên Lào Cai sương mù đông đặc, nhìn xe đi trước cứ như chui vào tan đi trong tấm màn sương trắng, vậy mà sang đến mạn phía Lai Châu thì khói sương tan biến đâu mất. Qua Tam Đường, đoàn chúng tôi đến Tả Lèng, rồi sử dụng xe ôm để đến điểm tập kết.
Nhiều tấm hình đẹp được ghi lại trên chặng đường chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn.
Đường đi vẫn xấu, nhưng cảm giác thì thật tuyệt, y như đang cưỡi con chiến mã phi nước đại lên đỉnh dốc. Mây trắng bay ngay cạnh như với tay là vớt mây được vào lòng. Ruộng bậc thang vẽ thành đường cong mềm mại ôm vòng quanh chân núi. Xa xa, nhiều đỉnh núi xanh thẫm thấp thoáng nhấp nhô lên xuống đều đặn. Không khí trong lành mát lạnh. Hoa dã quỳ nở vàng rực như bức tường dát vàng luôn xuất hiện ở lúc xe ôm cua trong tiếng máy gầm vang. Không một bức tranh, bức ảnh hay đoạn phim nào có thể thu trọn toàn cảnh bằng chính mình hiện hữu nơi đây để đắm mình vào cùng thiên nhiên tươi đẹp.
>>Hẹn em trên đỉnh Tà Chì Nhù!
>>Trải nghiệm những “cột mốc thiên đường” vùng biên ải
>>Côn Sơn - viên ngọc cần mài nhiều hơn
Đến điểm tập kết, chúng tôi bàn giao hành lý cho Porter và hành trình đến với Tả Liên Sơn bắt đầu, có cả anh bạn người Ba Lan - Tomazs đi cùng với tâm trạng rất phấn khích. Lên tới lán nghỉ, cung đường chỉ tầm 4.5 km với độ dốc vừa phải đi qua rừng trúc, rừng thưa, thi thoảng có gặp những dòng suối nhỏ nước trong vắt chảy thầm thì giữa đại ngàn. Không khí trong vắt nên tiếng chim lảnh lót, tiếng ve sầu u u còn như vương vấn mùa hè cũng vang vọng sắc nét như trong phòng thu. Thảm thực vật của Tả Liên Sơn rất phong phú với thảm rêu trên đá, thảm lá rừng cùng những cây cổ thụ nhiều trăm năm tuổi, sừng sững cao vút xoè tán rộng che chở cho dây leo, dương xỉ, rêu ở tầng dưới sống yên lành.
Thảm thực vật phong phú của Tả Liên Sơn
Khi di chuyển cần chú ý không để chạm vào cây lá han - loại cây có lá như lá dây bầu có nhiều ở nơi đây, chẳng may chạm phải là như bị bỏng. Anh Lê Thanh Hà là người leo núi có kinh nghiệm luôn nhắc mọi người mà chính anh cũng bị lá han chạm phải kêu ầm ầm. Rêu trên đá, rêu trên thân cây cổ thụ, mảng màu vàng, mảng màu xanh đan vào nhau thành khối màu hấp dẫn, chỉ cần nghiêng mình là có bức ảnh đẹp với rêu.
Bữa trưa gọn nhẹ giữa rừng với bánh chưng gù, giò, cùng hoa quả tiếp sức đoàn tôi tiếp tục lên đường. Anh Nguyễn Viết Đại tranh thủ từng khoảng trống để bay Flycam thu quang cảnh từ góc nhìn trên cao, nhất là quãng có con thác nhỏ, nhưng chảy từ trên cao với vách đá tuyệt đẹp. Có lúc sương mù ùa vào làm nặng mi mắt, khung cảnh được bao phủ bởi khói sương làm các thân cổ thụ huyền ảo như trong cổ tích.
Khung cảnh tuyệt đẹp của Tả Liên Sơn
Bữa tối ở lán nghỉ với lợn nướng, rượu ngô tuyệt ngon. Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi bắt đầu leo lên đỉnh. Cung lên Tả Liên Sơn không quá dài, nhưng khá khó đi, có nhiều đoạn phải đu bám vào rễ cây, đu dây, níu thân tre trúc làm điểm tựa để vượt qua. Các bạn người Mông dẫn đường hết sức tận tâm và trách nhiệm, leo núi hấp dẫn và thành công có lẽ nhờ công các bạn rất nhiều. Ít nói, thật thà, thân thiện, trách nhiệm, tận tâm sức khoẻ cùng sự dẻo dai tuyệt với của A Từa, A Sèng, em Páo giảm bớt khó khăn giúp đoàn chúng tôi rất nhiều. Hai bạn dẫn đường Nô và Tùng có kinh nghiệm, sức khoẻ của tuổi trẻ hoà nhập rất nhanh, sẵn sàng trợ giúp các thành viên có những bức ảnh ưng ý cũng như đảm bảo sức khoẻ an toàn.
Càng lên cao càng dày sương và gió lạnh, dễ trơn trượt. Người đi xuống gặp người đi lên động viên nhau bằng những câu chào rất dễ thương.
Đường về trời đổ mưa khiến cho trải nghiệm của chuyến đi dày thêm với việc trượt ngã oành ạch, việc dắt bộ xe máy xuống dốc cũng là việc cực kỳ khó khăn do dốc trơn như bôi mỡ. May mắn tất cả đều vẫn an toàn về điểm hẹn.
Cung đường chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn khá gian nan, vất vả
Theo dõi các hội nhóm leo núi trên mạng xã hội với số lượng người tham gia ngày càng đông, có lẽ Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch của Lai Châu, Yên Bái cần có hành động để phát triển hơn tiềm năng của ngành du lịch “mới mà không mới” ở Việt Nam. Bắt đầu bằng cách tuyên truyền đẩy mạnh truyền thông về vẻ đẹp của các đỉnh núi, xây dựng các lộ trình cùng các khuyến cáo một cách chuyên nghiệp hơn. Tham mưu cho lãnh đạo cải tạo, nâng cấp các con đường đến điểm tập kết, giúp việc di chuyển bằng xe ôm nhanh chóng và an toàn hơn, thay vì các hoạt động tự phát. Nắm bắt và tận dụng được trào lưu này, ngành du lịch các tỉnh Tây Bắc sẽ có thêm một tầm cao mới.
Có thể bạn quan tâm
"Thổi hồn" vào du lịch ẩm thực Thủ đô
03:00, 04/12/2023
Nghệ An tạo “điểm nhấn” để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
02:00, 03/12/2023
Kết nối sản phẩm golf với phát triển du lịch Hà Nội
00:30, 03/12/2023
Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình – Hàn Quốc
16:44, 02/12/2023
Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch thông minh
12:17, 02/12/2023