Gấp rút đưa ra nhiệm vụ, quyền hạn cho "siêu Ủy ban"

Nguyễn Long 08/02/2018 08:12

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức thành lập “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    Chính thức thành lập “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    13:30, 05/02/2018

  • Xác định đúng vai trò “siêu Ủy ban”

    06:00, 20/01/2018

  • “Siêu uỷ ban” trước “siêu thách thức”

    09:33, 18/01/2018

Phó Thủ tướng cũng đưa ra thời hạn trong tháng 2/2018, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo Tổ công tác về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước dự kiến chuyển giao về Ủy ban số liệu tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập theo Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

Hiện nay số vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp đang được ước tính khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, phân tán tại nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì thế đây là thách thức không nhỏ trong công tác quản lý và kiểm soát của “siêu Ủy ban” sao cho hiệu quả. Dự kiến có 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nằm dưới sự quản lý của ủy ban này, bao gồm 9 tập đoàn (trừ Tập đoàn Viettel) và 21 tổng công ty nhà nước.

Siêu Ủy ban sẽ phải đối mặt với khá nhiều thách thức và điều đó có thể thấy qua hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Khó khăn đầu tiên là việc xác định được giá trị vốn Nhà nước thực tế so với trên sổ sách. Tiếp đến là tìm và tạo quan hệ được với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước khi tiến hành thoái vốn. Ngoài ra, siêu Ủy ban còn phải đối mặt với các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, va chạm lợi ích.

Để giải quyết các thách thức trên các chuyên gia cho rằng, giải pháp tối ưu nhất là phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước. Theo đó, ngành, doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ vốn thì bán hết như vậy số đầu mối doanh nghiệp nhà nước sẽ gọn lại, quy mô vốn và tải sản sẽ giảm bớt, quyền lực sẽ dần bị thu hẹp và sẽ khó phát sinh các vấn đề tiêu cực.

Nguyễn Long