Các "kịch bản" tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018.
Bước sang năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tại các quốc gia và khu vực không có quá nhiều biến động, dự kiến tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,65%. Giá cả và thương mại thế giới được dự báo duy trì ở mức ổn định. Trong nước, quá trình cải cách pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Từ thực tế này, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo những kịch bản sau:
Ảnh minh họa.
Có thể bạn quan tâm |
Kịch bản trung bình là kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong đó giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,65%. Đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt. Khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,8%.
Kịch bản cao, ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình. Ngoài ra, những nỗ lực của chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế (như chính sách đất đai, tín dụng, bộ máy hành chính); qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo kịch bản này, trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, và lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.
Kịch bản thấp, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi như tăng trưởng Nông nghiệp thấp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực khai khoáng tiếp tục giảm sút, tăng trưởng khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ du lịch không đạt được tăng trưởng như năm 2017.
Trong khi đó, những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô (cùng với việc tiếp tục điều chỉnh các loại giá dịch vụ công như y tế, giáo dục và giá điện).
Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 4,2% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.
Bình luận về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, kinh tế Việt Nam hiện đang rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có mức độ lớn như năm 2017. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến các căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại.
Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ. Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá sẽ không mạnh mẽ như năm 2017.
Chính vì thế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7%, và được một số đơn vị dự báo, ông Thành cho rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế dự báo thì thế giới sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018, 2019. Rủi ro vĩ mô có thể đến từ việc làm thế nào để giữ được tăng trưởng tốt trong môi trường lạm phát thấp.