Kinh tế tuần hoàn và câu chuyện nghìn tỷ đô

Nguyễn Quang Vinh, MBA - Tổng Thư ký VCCI 14/02/2018 05:30

Tăng trưởng xanh được xem như lời giải cho câu đố “Làm thế nào để sự phát triển ngày hôm nay không ảnh hưởng đến thế hệ mai sau?”. Để vẽ nên bức tranh “tăng trưởng xanh” đó, chúng ta sẽ cần đến rất nhiều gam màu khác nhau, trong đó có thể nói gam màu “kinh tế” đóng vai trò trọng yếu. Vậy đâu là mô hình kinh tế giúp khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế tuyến tính đương đại? - thế giới đang gọi tên “nền kinh tế tuần hoàn”!

1. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững thường niên tháng 10/2017, các doanh nghiệp (DN) tham dự đã được chứng kiến màn “trình diễn” kinh tế tuần hoàn (KTTH) của HEINEKEN Việt Nam, nơi mô hình kinh tế tuần hoàn được thể hiện rõ nét qua việc sử dụng năng lượng sinh khối (biomass) và khí sinh học (biogas).

Trong năm 2016, bốn trên tổng số sáu nhà máy bia HEINEKEN Việt Nam nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối. Nhờ đó, HEINEKEN Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 – 2016, và tạo nguồn thu nhập đảm bảo cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu của họ để tạo thành năng lượng sinh khối, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành.

Trong khi đó, khí sinh học sản sinh từ hoạt động vận hành các nhà máy xử lý nước thải được tái sử dụng như là một nguồn năng lượng. Đó là câu chuyện của một DN nước ngoài.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước của Công ty Lộc Phát lại là một ví dụ điển hình khác của DN Việt tiên phong đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với hệ thống xử lý chất thải biogas trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được đưa vào hệ thống xử lý, tạo ra 30% năng lượng gas, điện cho toàn trang trại. Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng. Để “tiêu thụ” số lượng nhau thai heo “khủng” và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo sinh sản, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Đây không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là nguồn lợi rất lớn của công ty.

2. Từ câu chuyện của HEINEKEN và Lộc Phát, có thể hiểu rằng, nếu như trước đây, người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, thì nay việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai và xóa bỏ đi khái niệm “chất thải”. Theo đó, KTTH có thể hiểu một cách đơn giản là “nền kinh tế phi phát thải”.

3. Với những lợi ích đã được chứng minh khi theo đuổi mô hình kinh tế mới này, cụ thể là giảm thiểu các rủi ro đến từ việc khan hiếm tài nguyên thiên nhiên (tổng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên đến năm 2050 là 130 tỉ tấn, gấp hơn 4 lần những gì mà Trái đất có thể cung cấp cho nhân loại), hay tăng trưởng GDP (mở ra cơ hội thị trường trị giá 4,5 nghìn tỷ đô đến năm 2030), thì KTTH giờ đây đã trở thành xu hướng tất yếu của các nền kinh tế trên toàn cầu.

Tháng 6/2017, Diễn đàn thế giới về KTTH (WCEF2017) lần I đã được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan, thu hút khoảng 1700 chuyên gia tới từ 90 quốc gia trên thế giới. Tại Diễn đàn, đại diện của Phần Lan cho biết Chính phủ Phần Lan hiện đang thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế nước này theo mô hình kinh tế sinh học và KTTH cho đến năm 2025. Hay đại diện của Cộng hòa Liên bang Nga cũng khẳng định KTTH sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nước này và Chính phủ Nga đang có kế hoạch ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất thúc đẩy tái chế.

Trong số 17 Mục tiêu toàn cầu (SDGs) do 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, có đến 2/3 các mục tiêu liên quan đến môi trường – một vấn đề đã thực sự trở nên cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Trong số 17 Mục tiêu toàn cầu (SDGs) do 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, có đến 2/3 các mục tiêu liên quan đến môi trường – một vấn đề đã thực sự trở nên cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

4. Tất nhiên, ngay cả với thế giới dù đi trước nhưng KTTH vẫn là điều còn mới mẻ, thì cũng không quá ngạc nhiên khi mà cộng đồng DN VN còn xa lạ với khái niệm này. Sở dĩ ở VN còn nhiều DN chưa thực hiện KTTH là bởi hơn 95% DNVN là DN nhỏ vốn rất thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực và khả năng đổi mới để áp dụng nguyên lý của nền KTTH. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cũng chính là một rào cản khác cho DN. Không khó để dẫn chứng cho điều này. Cứ một triệu tấn tro xỉ có thể làm ra khoảng 600 triệu viên gạch không nung, trong khi các nhà máy nhiệt điện đau đầu xử lý tro xỉ bằng cách chôn lấp, đắp đống thì các DN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) lại tiếc hì hụi nguồn nguyên liệu đầu vào. Một số nhà máy nhanh nhạy trong mua bán tro xỉ như Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng… cũng đã phải dừng lại vì Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (NĐ 38) quy định các nhà máy sản xuất VLXD phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi rõ có sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện làm đầu vào... Và sau mấy quý kiến nghị, chờ đợi, đến giờ, thị trường mua bán tro xỉ vẫn phải tạm dừng chờ Thông tư hướng dẫn NĐ 38…

5. Nhưng những nút thắt này có lẽ phần nào sẽ được gỡ bỏ khi mà Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) sẽ thành lập Chương trình Hỗ trợ DN triển khai Kinh tế tuần hoàn vào cuối tháng 1/2018. Những kiến nghị về chính sách sẽ được đưa ra để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc hình thành thị trường nguyên vật liệu thứ cấp. Những thông lệ tốt của các DN trên thế giới sẽ được giới thiệu đến cộng đồng DN trong nước.

Những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công – tư sẽ được triển khai. Tất cả cùng cộng hưởng để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của DN trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại, và sớm hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của nước nhà. 

Nguyễn Quang Vinh, MBA - Tổng Thư ký VCCI