Tăng trưởng GDP quý 1/2018 sẽ tương đương nửa cuối năm 2017
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Công ty Chứng khoán SSI đã nhận định như vậy tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 2/2018.
Báo cáo cho thấy, chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng +15.2%, đây là mức tăng cao nhất nhiều năm và đặc biệt cao so với cùng kỳ 2017 (chỉ tăng +2.4%). Ngành công nghiệp Chế biến chế tạo tăng mạnh cùng với mức tăng trưởng dương của ngành Khai khoáng (cùng kỳ 2016 và 2017 tăng trưởng âm) là 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung.
Có thể bạn quan tâm |
Ngành Chế biến chế tạo tăng +17.7%, cũng là mức tăng cao nhất nhiều năm. Điện tử tiếp tục là trụ cột với tăng trưởng +38.3%, chủ yếu nhờ SamSung Display Việt Nam đạt doanh thu 49.3 nghìn tỷ đồng, gấp 2.2 lần cùng kỳ.
Phân tích về nội dung này, ông Hùng Linh cho biết, đúng 1 năm trước, vào tháng 2/2017, Samsung Display đã được cấp phép tăng vốn thêm 2.5 tỷ USD lên 6.5 tỷ USD tại Bắc Ninh. Bắc Ninh cũng là tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp rất cao, +45.1%, đứng thứ 2 cả nước.
Sản xuất Kim loại có tăng trưởng +21%, trong đó Formosa đạt sản lượng 475 nghìn tấn thép, tăng 12 lần so với cùng kỳ. Điều này khiến Hà Tĩnh trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp lớn nhất nước, +164%. Như vậy việc đưa vào vận hành các nhà máy mới của khối FDI là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp.
Nhiều sản phẩm khác của ngành công nghiệp cũng có tăng trưởng tích cực, trong đó một số sản phẩm phản ánh sự cải thiện của sức cầu tiêu dùng như Thực phẩm, Đồ uống và Nội thất, lần lượt tăng +6%, +7.9% và +20.2% (cùng kỳ tăng +4%, +6.2% và +0.7%).
Ngược lại, ngành Dệt và May mặc có tốc độ tăng trưởng giảm (+10.9% và +8% so với +13.7% và +13%). Tuy vậy, xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm lại tăng rất tốt, +22% YoY (cùng kỳ chỉ tăng +7.9% và cả năm 2017 tăng +9.6%). Tăng trưởng xuất khẩu Dệt may trên 20% lần cuối xuất hiện vào đầu năm 2014, cùng với đó chỉ số công nghiệp Dệt và May cùng đạt giá trị cao, do đó chưa thể kết luận ngay ngành Dệt may 2018 đang tăng chậm lại.
Theo báo cáo của SSI, hai tháng đầu năm 2018, ngành khai khoáng đã gây bất ngờ với tăng trưởng dương +5.7% sau 2 năm liên tục giảm. Cả 3 cấu thành của Khai khoáng là Than, Dầu khí và khai khoáng khác đều tăng trưởng dương. Tăng trưởng của ngành dầu khí thực chất đến từ sản lượng khí tự nhiên, trong khi dầu thô vẫn giảm. Trong 2 tháng đầu năm sản lượng khí tự nhiên khai thác đạt 1.77 triệu m 3 , tăng +16.8% YoY (cùng kỳ giảm –16.7%).
Trước đó, tháng 10/2017, Bộ Công Thương dừng thị trường phát điện cạnh tranh trong vòng 1 tháng để tăng sử dụng điện khí. Sản lượng khí tự nhiên tăng mạnh vào tháng 10, giảm trở lại vào tháng 11. Từ tháng 12/2017 đến nay, sản lượng khai thác khí duy trì đều trên mức 800 triệu m3 /tháng. Do 2 tháng đầu năm 2017 sản lượng khí khá thấp, dưới 750 triệu m3 khí/tháng nên tạo nền thấp cho tăng trưởng của năm 2018. Sản lượng khí tháng 3/2017 trở đi lại khá cao và trung bình năm 2017 là 803 triệu m3 /tháng nên rất có thể những tháng tới tốc độ tăng trưởng của ngành Dầu khí sẽ giảm, thậm chí quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng âm.
Cũng theo báo cáo, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2018 duy trì mức tăng trưởng tương đối cao. Tổng giá trị bán lẻ đạt 704 nghìn tỷ, tăng +10.1% YoY, không tính lạm phát tăng +8.7%, cao hơn so với cùng kỳ (+5.1%) nhưng thấp hơn so với cả năm 2017 là +9.46%. Sự giảm tốc của bán lẻ hàng hóa có mối liên hệ với chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp.
Chỉ số lao động tháng 2 cũng giảm xuống +3.6% so với mức +5.1% cuối năm 2017, trong đó lao động ngành Điện tử là +14.2% (cuối năm 2017 là +17.1%). Với tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn 2 tháng đầu năm đã giảm -25% YoY, một thách thức cho năm 2018 là duy trì tốc độ thu hút FDI, đặc biệt ở các dự án quy mô lớn sử dụng nhiều lao động để gia tăng việc làm và thu nhập, từ đó kéo sức cầu tiêu dùng.
Bù đắp cho sự giảm sút của khối FDI, khối doanh nghiệp trong nước và du lịch vẫn có tăng trưởng tốt. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong 2 tháng đầu năm tăng +25.7% YoY, mức cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI (không tính dầu thô tăng +22.3%). Đây là tháng hiếm hoi tăng trưởng xuất khẩu của khối trong nước cao hơn FDI, một chỉ báo tích cực cho thấy sự phục hồi của khối doanh nghiệp Việt Nam.
Tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đạt 2.86 triệu lượt, tăng +29.7% YoY, nhỉnh hơn mức tăng của cả năm 2017 là +29.1%. Việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đang dựa vào 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc với tăng trưởng +38.5% và +70%. Nhờ vậy tăng trưởng doanh thu Lưu trú ăn uống và Du lịch lữ hành trong 2 tháng 2018 đạt +10.2% và +38.4% (cùng kỳ chỉ tăng +4.2% và +5.1%).
Các địa phương có tăng trưởng bán lẻ cao bên cạnh Hà nội và TP. HCM còn có một số tỉnh như Lai Châu +16.5%, Lào Cai +15.8% và Bình Định +14.9%. Bình Định cũng nổi lên với mức tăng trưởng du lịch lữ hành cao chỉ sau TP HCM và Hà Nội, +26.9%.
“Tổng hợp các số liệu vĩ mô 2 tháng đầu năm, có cơ sở để tự tin với tăng trưởng GDP quý 1 sẽ tương đương như nửa cuối năm 2017, thậm chí ở kịch bản tốt, có thể chạm ngưỡng 8%. Những lý do để tăng trưởng GDP quý 1 khả quan nằm ở: Thứ nhất, ngành Điện tử duy trì tăng trưởng cao, sản phẩm Galaxy S9 sẽ ra mắt vào tháng 3/2018, sớm hơn so với thời điểm ra mắt Galaxy S8 vào tháng 4/2017; Thứ hai, ngành khai khoáng tăng trưởng dương hoặc nếu có sụt giảm cũng chỉ giảm ở mức rất thấp; Thứ ba, các ngành Dịch vụ như bán lẻ, lưu trú ăn uống duy trì tăng trưởng ổn định”. – ông Hùng Linh cho biết.
Theo ông Linh, điểm cần lưu ý là mức tăng trưởng chậm của nửa đầu 2017 đã tạo ra nền thấp để dễ có tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2018. Điều này sẽ khó lặp lại vào nửa cuối năm. Tín hiệu chững lại của dòng vốn FDI cần phải được quan tâm đặc biệt để có những chính sách mới nhằm vực dậy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Sự phục hồi của khối doanh nghiệp nội địa là một tín hiệu lạc quan và cần tiếp tục có những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ “Đàn Sếu Lớn” để tạo thành những mũi nhọn tăng trưởng cũng là một nội dung quan trọng bên cạnh tìm kiếm và phát triển các động lực tăng trưởng mới như đặc khu kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao hay phát triển du lịch”. – ông Linh khẳng định.