GDP quý I bứt phá mạnh mẽ

Thy Hằng 27/03/2018 18:05

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt trên 7%, là mức tốt nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia tốc độ cao

Chủ trì cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô chiều ngày 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc ngay từ đầu năm, đốc thúc sản xuất theo tín hiệu thị trường, thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

chủ trì cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô 2018.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế trong nước quý I vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017 trở lại đây khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá cả và lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số tài chính tiền tệ đều tích cực, thị trường tiền tệ-ngoại hối, mặt bằng lãi suất ổn định, thu hút vốn đầu tư đạt khá...

Có thể bạn quan tâm

  • GS.TS Trần Thọ Đạt: Việt Nam vẫn đang bứt phá khỏi vùng trũng tăng trưởng

    13:05, 23/03/2018

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ khả quan

    21:02, 22/03/2018

  • NCIF nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 lên mức 6,83%

    06:10, 21/03/2018

  • Chính phủ quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng

    10:00, 13/03/2018

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, dự kiến tăng trưởng GDP quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua ở mức trên 7%. Trong đó, công nghiệp- xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, mà đóng góp mạnh mẽ là công nghiệp chế biến chế tạo.

Nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu hàng hóa được ký trong đầu năm 2018 giúp kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%.

Cũng trong quý I/2018, cả nước xuất siêu 1,1 tỷ USD. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tổng thu cân đối ngân sách thì ước 17,5% dự toán. Chi cân đối ngân sách 14,8% dự toán.

Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới, đây là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. “Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường với tốc độ cao đã đóng góp tích cực tăng trưởng chung của cả nước”, ông Mạnh nói. 

Kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô được dự báo nhiều khả quan.

Lũy kế thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 176,25 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn còn hiệu lực. Trong quý I, vốn FDI tăng thêm, góp mới, đăng ký cấp mới là 5,8 tỷ USD (bằng 75,2% cùng kỳ). Nhưng thực hiện vốn đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhận định kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm được dự báo có nhiều khả quan, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ”. 

“Khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Kịch bản CPI tăng 4% đúng yêu cầu

Trước đó, tại phiên họp Quý I/2018 của Ban chỉ đạo điều hành giá, diễn ra sáng 27/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "9 tháng còn lại của năm nay sẽ có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá cả nhưng Chính phủ sẽ đủ khả năng để điều hành chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% theo đúng yêu cầu của Quốc hội". 

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2018 không tăng như 2 tháng đầu năm mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36% vẫn thấp hơn mục tiêu trong năm nay là từ 1,6- 1,8%.

Căn cứ tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các Bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, NHNN điều hành lạm phát cơ bản linh hoạt, kiểm soát tín dụng về cơ cấu và chất lượng, cung tiền, tiếp tục biện pháp trung hoà ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hoá bán vốn nhà nước.

Bộ NN&PTNT bám sát nhu cầu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là thịt heo, muối, đường,... để tổ chức sản xuất phù hợp, ổn định thị trường, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, công bố giá cơ sở của xăng A95 trong tháng 4/2018, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dung. Điều hành ổn định giá điện trong năm 2018 và tăng cường truyền thông trong sử dụng và tiết kiệm điện, tránh tạo ra “lạm phát kỳ vọng”.

Thy Hằng