Nguy cơ từ gia tăng đột biến bảo hộ
Dù FDI đang thúc đấy xuất khẩu (XK) trong nửa đầu năm 2018, nhưng điều này không phải không có những rủi ro, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng...
Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á do Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và hãng tư vấn Oxford Economics công bố hôm thứ Tư tuần này đã cảnh báo các mặt hàng XK của Việt Nam cần thận trọng trước các tình huống bất lợi do xu hướng gia tăng bảo hộ mạnh mẽ trong năm 2018.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro XK
Dù bức tranh về thu hút FDI của Việt Nam khá tốt so với khu vực, từ đó kéo theo tăng trưởng XK năm 2018 dự báo sẽ cao, nhưng các chuyên gia ICAEW và Oxford Economics cũng cảnh báo về những ảnh hưởng của Việt Nam xung quanh câu chuyện mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây được xem là hai thị trường có tác động lớn tới XK của Việt Nam trong những năm gần đây nên cần phải theo sát tình hình và có những định hướng kịp thời.
Bà Sian Fenner, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics nói rằng, việc mâu thuẫn thương mại sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo tình huống xấu. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại, bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan toả đáng kể đến Việt Nam. “Mặc dù, Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan, sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi”. Bà Sian Fenner nói.
Theo báo cáo của ECAEW, các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018 với mức 4,9 – 5,3%.
Rõ ràng, cảnh báo này của bà Sian Fenner không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại mạnh hơn kể từ đầu năm 2018. Điều này được thể hiện rất rõ khi lần đầu tiên sau nhiều năm, Mỹ đã áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại. Thậm chí, Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được Mỹ công nhận và duy trì nhiều năm để có thế dánh thuế “chống lẩn tránh” vào tôm XK của Việt Nam. Ngay cả mức thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường có thể xem là hành động bảo hộ quá mức.
Ví dụ, năm 2018, một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến XK thuỷ sản là chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm, cá tra sang Mỹ và “thẻ vàng” IUU về đánh cá bất hợp pháp... sẽ là những hàng rào bảo hộ ảnh hưởng trực tiếp tới XK thuỷ sản Việt Nam sang Mỹ. Hay như câu chuyện ngành gỗ XK, hiện Việt Nam XK sang Mỹ khoảng 2 tỉ USD/năm, đáng nói là luồng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào ngành này đang khá lớn nên sẽ càng làm cho Mỹ quan tâm hơn tới gỗ Việt. Đây chắc chắn là một rủi ro của ngành này trong năm 2018.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nhiều nhất và XK sang Mỹ nhiều nhất, nên nếu cuộc chiến thương mại “leo thang”, Việt Nam sẽ phải gánh chịu rủi ro rất lớn. Vấn đề mấu chốt vẫn là cần phải tránh tình trạng lệ thuộc vào hai thị trường này.
Tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn phụ thuộc vốn FDI
Bất chấp những khoảng xám về chủ nghĩa bảo hộ leo thang, theo ICAEW, tổng thể bức tranh kinh tế của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong nửa đầu năm 2018 vẫn có nhiều điểm tích cực, thậm chí là có chiều hướng trái ngược với các khu vực khác. Sau 5 tháng, xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với khối doanh nghiệp FDI là một trong những điểm sáng đối với hoạt động xuất khẩu.
Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, theo đó khối FDI đang chiếm tới 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ông Mark Billington, giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW nói với DĐDN, nhờ cải thiện đồng bộ về thương mại toàn cầu trong năm ngoái, đặc biệt trong ngành hàng điện tử mà XK hàng hoá tính bằng USD năm 2017 của Việt Nam tăng 21,2%. Ngoài ra, mức tổng cầu cũng tăng nhờ tăng đầu tư trong nước 9,8% do đạt mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao và tăng trưởng tín dụng nhanh.
Năm ngoái, thu hút vốn FDI tăng 47%, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng, bất động sản... là những ngành chính được hưởng lợi. “Với số vốn đăng ký mới tăng 40% cho thấy năm 2018 sẽ là một năm nữa Việt Nam đạt kết quả tốt về đầu tư, qua đó phần nào bù đắp cho dự báo tăng trưởng XK giảm” đại diện ICAEW nói.