SCIC tiết lộ lý do cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm trễ
Qua 26 năm thực hiện quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, các chuyên gia nhận định quá trình này còn diễn ra chậm chạp và cần ban hành luật cổ phần hóa.
Nói như PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: “Tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn DNNN bắt đầu từ năm 1992, qua 26 năm nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp, chúng ta không nói là giậm chân tại chỗ nhưng dù số lượng từ 12.000 đã giảm còn mấy trăm doanh nghiệp, tuy nhiên, điều đáng nói tỉ lệ vốn sở hữu của các nhà đầu tư chiến lược còn thấp, khiến năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp thấp”.
Cũng theo vị chuyên gia này, người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng thực tế những lời nói đó đã không được thực thi có hiệu quả tại các cấp thực thi. Cùng với đó, là những nguyên nhân do nhận thưc, thể chế và cơ chế chính sách còn nhiều bất cập chưa đi vào chính sách.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Song Lai- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết đã gặp nhiều khó khăn trong việc cổ phẩn hoá, thoái vốn DNNN. “Quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì một văn bản duy nhất khiến việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn”, ông Lai nói.
Cụ thể, theo ông Lai, mục tiêu bán vốn mặc dù quy định hiện hành không có các quy định cụ thể nhưng thường đặt mục tiêu cao nhất là tối đa hoá giá trị vốn thu về cho cổ đông nhà nước. Với cơ chế này việc chọn nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp rất khó thực hiện đảm bảo được là nhà đầu tư tối ưu mà lại có giá trị bán vốn mức cao.
Bên cạnh đó là quy định hạn chế về chi phí cũng khiến các tổ chức quốc tế khó có cơ hội tham gia vào quá trình cổ phần... “Ví dụ như vụ bán vốn Vinamilk, chúng tôi cũng thuê tổ hợp Cty tài chính với mức phí 500 triệu, nhưng nếu muốn đưa tổ chức lớn hơn chất lượng thì phải đấu thầu quốc tế với quy trình thủ tục nhiều và chi phí cao”, ông Lai nói.
"Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP chúng tôi phải thuê hai công ty tư vấn, một là công ty thẩm định giá và thêm một công ty chứng khoán để tổ chức bán đấu giá, mức phí là 250-300 triệu. Trong khi trước đây quy định chỉ cần một doanh nghiệp, như chi phí sẽ giảm đi rất nhiều", ông Lai nói.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc SCIC, quy định pháp luật cũng không quy định đơn vị tư vấn có được tham gia mua cổ phần doanh nghiệp vừa tư vấn định giá, đây cũng là điểm khó.
"Nhiều doanh nghiệp không tạo được sự hấp dẫn khi bán cổ phần, bởi nghịch lý bán cố phần giá 10.000 không thành công thì lần sau phải tăng giá khởi điểm, vì giá đất của thành phố tăng nhưng doanh nghiệp lỗ vẫn không thể giảm giá bán của cổ phiếu được", ông Lai nhấn mạnh.
Để thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, nhiều kiến nghị đã được nêu lên và kiến nghị đầu tiên là tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch, cần ban hành luật cổ phần hóa.
Do đó, đại diện SCIC kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Sớm ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần.
Cùng với đó, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý công nợ trước khi bán vốn. Đồng bộ hóa giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và Luật quản lý vốn. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trong đó có DATC.
Nhấn mạnh đến một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là minh bạch thông tin, ông Vương Tuấn Dương - Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, đề xuất, theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua, những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, đã đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn Nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.