"Siêu ủy ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng sẽ hoạt động từ tháng 10 tới
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm hoạt động vào tháng 10/2018.
Tại cuộc họp tiếp thu các khuyến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, UBTVQH đã họp, góp ý về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể, UBTVQH cho rằng, thứ nhất, dự thảo Nghị định nên làm rõ việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị doanh nghiệp, chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước. Có cơ chế, chính sách tiền lương cho lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo các đơn vị phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực, tạo động lực cho bộ máy thực thi hiệu quả chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai, UBTVQH cũng đề nghị làm rõ quy định Ủy ban không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm hiệu quả, gia tăng tổng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp,...
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự thảo Nghị định đã quy định rõ nguyên tắc Ủy ban chỉ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, không thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp do các Bộ quản lý ngành thực hiện.
Các chuyên gia cũng đánh giá, đây là bước tiến dài trong mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Bởi nhiều năm qua, mô hình cơ quan chủ quản trong quản lý doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Có thể bạn quan tâm
Có sự chờ đợi chuyển giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn khiến cổ phần hoá DNNN "ì ạch"
15:08, 25/07/2018
“Siêu ủy ban” quản vốn nhà nước thế nào?
05:34, 21/07/2018
Thủ tướng yêu cầu thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
19:34, 29/06/2018
“Siêu uỷ ban” sẽ quản trị doanh nghiệp thế nào?
11:11, 23/06/2018
Sắp thành lập Ủy ban quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử
13:02, 22/06/2018
Bên cạnh chế độ tiền lương, phụ cấp, dự thảo còn bảo đảm bộ máy cân đối giữa các đơn tham mưu quản lý vốn (theo chiều dọc) và các đơn vị tham mưu chiến lược (theo chiều ngang).
Cụ thể, gồm 9 vụ, trung tâm là: Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Vụ Năng lượng, Vụ Công nghệ và hạ tầng, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế-kiểm soát nội bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng, Trung tâm thông tin, trong đó Trung tâm thông tin là đơn vị sự nghiệp.
Trong danh sách 19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu thì có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), là đơn vị thực hiện chức năng đầu tư-kinh doanh vốn tại doanh nghiệp tiếp nhận từ các bộ, địa phương theo quy định của pháp luật, không thuộc 18 doanh nghiệp còn lại.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và lãnh đạo các bộ, ngành dự họp cho rằng quy định này và quy định về chức năng và nhiệm vụ của SCIC không chồng chéo, trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, từ khi thành lập Ủy ban tới nay, các cán bộ lãnh đạo và biệt phái đã dự thảo 44 quy chế hoạt động nội bộ và liên ngành. “Một số quy chế đang xin ý kiến các bộ, ngành, nhưng cơ bản chúng tôi đã xong và sẵn sàng vận hành hoạt động của Ủy ban khi Nghị định có hiệu lực”, ông Hoàng Anh nói.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Chính phủ, từ đó tổng hợp, bổ sung để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định trong tháng 9 này.
“Các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Ủy ban sớm hoạt động vào tháng 10”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính lập kế hoạch bố trí ngân sách riêng năm 2019 cho Ủy ban hoạt động.
Như vậy, với việc chính thức hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước vào tháng 10 tới, lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các bộ, UBND cấp tỉnh tập trung năng lực vào thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Đây cũng chính là xu hướng quản lý vốn nhà nước hiện đại mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đã và đang áp dụng.
Dự thảo Nghị định được Bộ KH&ĐT soạn thảo, dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng và Y tế. Đáng chú ý, trong danh sách này cơ quan trực thuộc ủy ban này, có cả SCIC, doanh nghiệp được thành lập để nắm vốn Nhà nước và thực hiện các chức năng tương tự như của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5,4 triệu tỷ đồng. |