Kinh tế chia sẻ và sự bắt nhịp của tư duy
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, chúng ta đang “nghẽn” trong việc định danh các loại dịch vụ mới. Chúng ta cố gắng gán ghép môt hiện tượng mới với một thứ đã ổn định, đã có sẵn.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng Phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Từ Uber-Grab... đến chính sách cho mô hình kinh tế chia sẻ
06:35, 05/09/2018
Tương lai của kinh tế chia sẻ (Kỳ II): Động lực của kinh tế chia sẻ
05:15, 30/08/2018
Tương lai của kinh tế chia sẻ (Kỳ I): Kinh tế nền tảng và tư duy quản lý
05:23, 26/08/2018
- Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, kinh tế chia sẻ là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Theo ông, chúng ta nên hiểu kinh tế chia sẻ như thế nào?
Kinh tế chia sẻ là hoạt động khách quan, càng chia sẻ nhiều thì hoa lợi, thành quả của người sở hữu tài sản, kỹ năng, độ lan tỏa kiến thức được tạo ra càng lớn. Khai thác những thuộc tính hữu dụng của tài sản, tận dụng tối đa năng lực lao động của các cá nhân luôn là mong muốn, là nhu cầu của mọi người, mọi quốc gia. Rõ ràng đó là một điểm chung giữa các cá nhân và nhà nước (hoặc các nhà nước). Đây là thuận lợi, có tính cốt lõi, căn bản. Các bên đã thích làm rồi, giờ chỉ cần ai đó biết làm và có điều kiện để làm thôi. Chắc chắn, kinh tế chia sẻ sẽ được nghiên cứu để có những ứng xử chung tốt nhất, thể hiện thông qua các chính sách của nhà nước với hiện tượng kinh tế này.
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) được tiếp sức bởi kinh tế nền tảng (platform economy). Sự phát triển của công nghệ số và các thiết bị số cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng làm cho việc thiết lập các nền tảng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Đây là cơ hội cho các nhà phát triển ứng dụng di dộng và các nhà đầu tư Việt Nam. Nếu họ lựa chọn được nhu cầu chia sẻ nào phổ biến, có lực lượng tham gia tiềm năng đông đảo thì sẽ thành công.
Cá nhân tôi thích gọi Ebay, Amazon, Uber, Lyft, Craiglist hay các sàn giao dịch thương mại điện tử là những hoạt động kinh doanh nền tảng trung gian hơn hay kinh tế nền tảng (platform economy) hơn là “kinh tế chia sẻ”, cho dù chúng sống phụ thuộc vào nhau. Bóc tách rõ ràng về bản chất, sẽ có thể dành cho chúng những thân phận pháp lý xứng đáng và chính đáng hơn trong quá trình can thiệp của nhà nước đối với các hiện tượng kinh tế.
Hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa những nhà cung cấp dịch vụ nền tảng ở cấp độ toàn cầu như Uber, Grab trong lĩnh vực đi xe hơi, Airbnb trong lĩnh vực phòng nghỉ. Đi lại và nghỉ ngơi là nhu cầu phổ biến và có thể chia sẻ được nhiều nhất, nhưng lại có những đại gia công nghệ kia đang ngự trị. Tiếp tục nhảy vào để lập ứng dụng mới và đầu tư cho nó không phải không có cơ hội thành công nhưng rủi ro chắc chắn không nhỏ, nếu không muốn nói nó là vô cùng lớn.
- Theo ông, đâu sẽ động lực để kinh tế chia sẻ ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới?
Chắc chắn đó là mong muốn huy động tối đa các nguồn lực nhàn rỗi trong nhân dân vào các hoạt động sinh lợi. Thế nhưng, động lực ấy sẽ chết, người ta không muốn làm nếu việc gia nhập thị trường là quá khó khăn và tốn kém. Ngoài yếu tố công nghệ mà người ta đã nói nhiều, chính sách khuyến khích khởi nghiệp đủ dễ để người ta thấy thuận lợi lại là cái cột đỡ cho động lực kia.
Về quan điểm, chúng ta không được sợ dân giàu lên. Thuế khóa và các khoản thu sẽ tới khi con người ta khá giả. Từ góc độ kinh tế - luật, chi phí để quản lý thuế những hoạt động nhỏ, không chuyên có khi còn lớn hơn cả những gì thu được. Cho nên, có những hoạt động kinh tế không chuyên nghiệp như kinh tế chia sẻ và ở cấp độ nhỏ, nhà nước có thể “khoan dung” không đặt vấn đề quản lý thuế.
- Ông có đánh giá như thế nào về “ứng xử” của Việt Nam với mô hình kinh tế chia sẻ trong thời gian qua? Tôi có cảm nhận rằng, chúng ta đang “lúng túng” trong ứng xử với mô hình kinh tế chia sẻ, mà Uber, grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Dường như sự lúng túng này bắt nguồn từ cách hiểu không chính xác của chúng ta về kinh tế chia sẻ? hay nói một cách khác, “tư duy” của người làm chính sách vẫn chưa đuổi kịp cái mới, thưa ông?
Chính xác như vậy, Uber đã tạo ra một xu thế về kinh tế nền tảng và mở đường cho cách thức tiếp cận kinh tế chia sẻ rồi nâng tầm kinh tế chia sẻ lên. Sự lúng túng của các nước, không riêng gì Việt Nam, chủ yếu là sự tác động của nó đến những hoạt động tương tự, gần giống với những ngành nghề truyền thống khác. Chẳng hạn, ngành vận tải truyền thống sẽ bị mất đi một lượng khách hàng đáng kể bởi các nền tảng như Uber và họ phản ứng dữ dội ở cấp độ toàn cầu.
Hơn thế nữa, tôi cho rằng chúng ta đang “nghẽn” trong việc định danh dịch vụ. Chúng ta cố gắng gán ghép môt hiện tượng mới với một thứ đã ổn định, đã có sẵn. Định danh các nền tảng như Grab, Uber như là những anh trung gian, là cái sàn giao dịch điện tử thì ta mới cho chúng những thân phận pháp lý rõ ràng. Các anh được làm gì, không được làm gì, thuế khóa ra sao, trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng và người tiêu dùng cuối cùng thế nào, tất cả do định danh dịch vụ. Có một dự thảo về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô đang có ý định xếp các nền tảng này vào kinh doanh vận tải, thực ra gọi thế cũng được, nhưng thân phận anh môi giới với anh trực tiếp cung cấp dịch vụ bằng xe của của mình là phải khác nhau, các điều kiện kinh doanh nếu áp dụng chung sẽ rất hài hước.
Người ta có thể gọi kinh tế chia sẻ bằng nhiều cái tên khác nhau và cũng có cách hiểu không giống nhau, tùy bối cảnh. Truyền thông trong và ngoài nước cũng đôi khi làm người ta thấy khó phân biệt.
Theo tôi, chúng ta đã không phân biệt rõ kinh tế chia sẻ - các hoạt động của người tiêu dùng với kinh tế nền tảng – hoạt động chuyên nghiệp của các thực thể trung gian. Nếu tách ra, sẽ thấy chúng dễ xử lý hơn.
- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn trong tư duy quản lý hiện nay để tạo động lực cho kinh tế chia sẻ hay các loại hình kinh tế mới khác trên nền tảng số có thể phát triển trong thời gian tới?
Điều quan trọng nhất là đừng sợ dân giàu lên. Nghe phi lý nhưng cứ tưởng tượng rẳng một ai đó kiếm được khoản hoa lợi nào từ tài sản sẵn có lại bị thách thức bởi các câu hỏi về thuế khóa, người ta đã không muốn làm. Thà đập bỏ tài sản còn hơn là đưa nó vào các giao dịch chia sẻ để yên thân. Khi đó, lãng phí nguồn lực là điều rõ ràng, thậm chí là sự lãng phí khổng lồ. Điều này xa lạ với chủ trương huy động các lực lượng vật chất, trí tuệ của toàn xã hội vào trao đổi giao dịch và tạo thêm những của cải vật chất, góp phần vào sự thịnh vượng chung của xã hội
Thách thức của kinh tế chia sẻ là bởi chính bản chất “nhàn rỗi”, “tạm thời” của hoạt động chia sẻ. Nó sẽ thách thức các chuẩn mực về an toàn pháp lý đối với các giao dịch cũng như các vấn đề về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được chia sẻ và bảo vệ người tiêu dùng mà các nhà làm luật phải tính tới.
Một thách thức lớn hơn đấy là sự xuất hiện của các thực thể trung gian, chuyên nghiệp mà tôi đã gọi ở trên là “kinh tế nền tảng”. Thừa nhận kinh tế chia sẻ là khách quan thì cũng phải chấp nhận kinh tế nền tảng là khách quan. Định danh dịch vụ cần tỉnh táo, thoát ly những định kiến truyền thống để chúng có thể tồn tại và giúp cho kinh tế chia sẻ phát triển được. Thực tế có thể đã có những tranh cãi về Uber trốn thuế mà chúng ta có cái nhìn dè dặt về kinh tế nền tảng. Tuy nhiên, cũng nên nhìn lại trách nhiệm cố hữu của nhà nước là có nghĩa vụ phải thu thuế để phục vụ hoạt động chung. Không thu được thuế cũng có nghĩa là anh không hoàn thành nhiệm vụ. Luật của ta chưa đủ, người ta lách được là tại chúng ta, không phải tại họ. Khi định danh dịch vụ rõ ràng, với những hỗ trợ của công nghệ, như cổng thanh toán quốc gia chẳng hạn, việc thu thuế sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
-Trên thực tế, Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội từ kinh tế chia sẻ. Vậy theo ông, Việt Nam nên làm gì để tận dụng tốt các cơ hội mà kinh tế chia sẻ mang lại, đồng thời khắc phục những hạn chế từ nó?
Nhận thức sai sẽ dẫn đến không tận dụng được cơ hội. Người ta lẫn lộn giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng với kênh bán hàng. Ví dụ trong vận tải, mỗi hãng một cái ứng dụng di động là điều quá lãng phí. Tưởng rằng đó là ứng dụng công nghệ để hiện đại hơn nhưng chỉ gây tốn kém và phiền toái cho người dùng khi họ phải cài vài chục cái ứng dụng như vậy để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thì chỉ để phá máy, diệt pin chứ không có chút tiện lợi nào.
Để phát triển kinh tế chia sẻ, chắc chắn phải ưu tiên phát triển kinh tế nền tảng, tạo ra những cái “chợ” cho kinh tế chia sẻ hoạt động. Mà đối với kinh tế nền tảng, thứ quan trọng nhất lại là dữ liệu và xử lý dữ liệu. Ngày nay, nhiều hãng công nghệ có thể thu thập và tiếp cận được những nguồn dữ liệu khổng lồ (big data), hệ thống hỗ trợ quyết định (DSS – decision support system) của họ được lập bởi những hàm đa biến đã được kiểm chứng, phục vụ cho người bán và người mua rất thuận lợi. Thậm chí có hệ thống DSS còn hỗ trợ cả đề xuất giá theo thời gian thực (real time pricing) phù hợp với cung cầu và các biến điều kiện ngoại cảnh.
Liệu rẳng chúng ta có nên quá tập trung vào một nền tảng tương tự bằng cách gọi người bán lẫn người mua đến với mình? Tôi nghĩ, quyết định lập các nền tảng tương tự là rất cần cân nhắc. Những nhà phát triển và các doanh nhân cần khảo sát các nhu cầu khác của đời sống để lập nên những nền tảng độc, lạ và tiện lợi với nhu cầu của xã hội. Gần đây có những nền tảng thuần túy của người Việt Nam cho phép người lao động rảnh rỗi có thể cung cấp dịch vụ giúp việc nhà, như Okeaf hay Wiido, tôi cho đấy là những hành động rất biết quan sát.
- Vậy, kinh tế chia sẻ và đối tượng ăn theo nó là kinh tế nền tảng chắc chắn có những hạn chế và vấn đề phát sinh, thưa ông?
Về quản lý thuế, các loại gián thu hoàn toàn không có vấn đề, nhưng thuế thuế trực thu như thu nhập doanh nghiệp, nên có cổng thanh toán quốc gia, có thể thu trực tiếp theo thời gian thực đối với từng giao dịch và theo thuế suất đã áp dụng. Hoàn toàn có thể bỏ chế độ thu theo thời gian đối với các loại hoạt động này.
Về cạnh tranh, chắc chắn là câu chuyện khó khăn vì các hãng nước ngoài rất hủng mạnh về tài chính. Nên chăng, các quy định về khuyến mãi cần được xác định rõ ràng hơn.
Về bảo vệ người tiêu dùng, cần áp dụng nguyên tắc trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ người sử dụng dịch vụ. Bên trung gian và bên cung cấp liên đới chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng. Khi bị thiệt hại, người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc kiện bất kỳ bên nào, dù là cung cấp nền tảng kết nối hay trực tiếp cung cấp dịch vụ bởi cả chúng góp phần tạo nên sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng đã mua.
Về bảo vệ đối tác yếu thế, chuyện các nhà cung cấp nền tảng chèn ép các đối tác cung cấp dịch vụ, tuy chưa có tiền lệ điển hình nhưng hoàn toàn có thể suy đoán. Các điều kiện sử dụng dịch vụ giữa họ cần thiết được kiểm soát theo pháp luật.
- Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể quản lý tốt mô hình của kinh tế chia sẻ?
Từ góc nhìn của người làm nghề luật, tôi vẫn cho rằng, để quản lý tốt, cần phân loại và định danh đối tượng bị quản lý phải rõ ràng. Tuy vậy, việc ép hoạt động này hay hoạt động kia vào danh mục ngành nghề có sẵn, thực ra chỉ để tiện cho quản lý trước mắt. Trong điều kiện bùng nổ của công nghệ thông tin, có rất nhiều hoạt động, tiện ích được ra đời, thay thế cho các hoạt động truyền thống. Việc định danh, phân loại dịch vụ, vì vậy không chỉ nên tính đến làm sao quản lý cho gọn, mà phải tính đến tự do kinh doanh, tự do sáng tạo của con người. Trong trường hợp này, rạch ròi kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng là điều mà tôi nghĩ, Đề án mô hình kinh tế chia sẻ phải thể hiện rõ.
- Xin cảm ơn ông!