Doanh nghiệp là nhân tố quyết định xây dựng "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp"

Thy Hằng 11/09/2018 09:38

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, để xây dựng "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp" giúp phát triển mạnh mẽ hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn, doanh nghiệp là nhân tố quyết định.

Sáng nay (11/9), Diễn đàn tăng trưởng Châu Á (GAF) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á được tổ chức bên lề các Diễn đàn WEF-ASEAN 2018.

Diễn đàn tăng trưởng Châu Á (GAF)

Diễn đàn tăng trưởng Châu Á (GAF) có sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các nền kinh tế. Ảnh: Thy Hằng

Với chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Diễn đàn GAF có tổng cộng 20 phiên, gồm 2 phiên toàn thể và 18 phiên kỹ thuật (tổ chức song song). Diễn đàn có sự tham gia của 200 đại biểu, gồm 8 vị Bộ Trưởng các nước ASEAN, khách mời cấp cao từ các nước trong khu vực Châu Á, các doanh nghiệp nội khối ASEAN và các tập đoàn đa quốc gia có vốn đầu tư trong ngành nông nghiệp tại ASEAN, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông lâm thuỷ sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm gia tăng sức mạnh và năng lực thâm nhập thị trường của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của hộ nông dân. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

    Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

    09:04, 11/09/2018

  • Chính thức khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN

    Chính thức khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN

    08:10, 11/09/2018

  • WEF ASEAN 2018 nơi hội tụ các startup hàng đầu ASEAN

    WEF ASEAN 2018 nơi hội tụ các startup hàng đầu ASEAN

    06:51, 10/09/2018

  • WEF ASEAN 2018: Cơ hội khẳng định ước mơ vươn lên tầm cao mới của Việt Nam

    WEF ASEAN 2018: Cơ hội khẳng định ước mơ vươn lên tầm cao mới của Việt Nam

    00:01, 10/09/2018

Và để đạt được các mục tiêu này, các quốc gia cần thực hiện nhiều biện pháp gồm đẩy mạnh hợp tác chiến lược thông qua hợp tác song phương, đa phương và toàn cầu.

“Sáng kiến “Tăng trưởng Châu Á” là sự kết nối và tạo dựng kết nối nhiều hơn. Bên trong đó, sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2050”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, những mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình PPP.

Doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của ngành nông nghiệp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của ngành nông nghiệp. Ảnh: Thy Hằng.

“Tại Việt Nam, chúng tôi coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Cụ thể, trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng.

"Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam", Phó Thủ tướng cho biết.

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh vai trò chủ thể của nông dân, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp là động lực của phát triển nông nghiệp với vai trò quan trọng trong tổ chức thị trường, chế biến, tiêu thụ sản phẩm", Phó Thủ tướng nói. Cụ thể, doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản  trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng một ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Thy Hằng

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Thy Hằng

“Do đó, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia hơn nữa của kinh tế tư nhân. Để nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, sáng kiến “Tầm nhìn mới về nông nghiệp” của WEF đang được tiến hành tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, đây có thể được xem là một sáng kiến toàn cầu. Cho tới nay, đã có 21 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình PPP trong nông nghiệp, với sự tham gia của hơn 650 tổ chức, công ty và tập đoàn toàn cầu trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ năm 2009, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra “Tầm nhìn mới trong Nông nghiệp” năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu tăng năng suất nông nghiệp 20%, giảm phát thải 20% và giảm nghèo 20% vào năm 2020. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên cam kết thực hiện Tầm nhìn mới trong Nông nghiệp của WEF. Tầm nhìn có sự tham gia thực hiện của 350 quốc gia và tổ chức thành viên của WEF trên toàn thế giới và thiết lập đối thoại cấp cao với G7 và G20.

Để thực hiện Tầm nhìn này, WEF tiếp tục xây dựng các sáng kiến “tăng trưởng” cấp khu vực tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La tinh. Tại khu vực Đông Nam Á, năm 2014, WEF phối hợp với Ban Thư ký ASEAN xây dựng sáng kiến “Tăng trưởng Châu Á” vận hành như một diễn đàn đối tác nhiều bên để thúc đẩy các hoạt động góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực ASEAN. Sáng kiến Tăng trưởng Châu Á là một nền tảng hợp tác nhiều bên với mục tiêu tới năm 2020 sẽ hỗ trợ cho 10 triệu nông dân sản xuất nhỏ tiếp cận với kiến thức, công nghệ, tài chính và thị trường để tăng năng suất, lợi nhuận lên 20% và đảm bảo sản xuất bền vững.

Kể từ năm 2014, với mục tiêu tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan để thực hiện Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư trong nông nghiệp. GAF đã lần lượt được tổ chức tại Philippines (2014), Indonesia (2015), Malaysia (2016) và Campuchia (2017).

Thy Hằng