Liệu Việt Nam có thể có "thung lũng silicon"?
Là diễn giả Việt Nam duy nhất “đăng đàn” tại Diễn đàn Mở về khởi nghiệp và sáng tạo, ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG nhấn mạnh, không mong muốn sao chép một "thung lũng silicon" tại Việt Nam.
"Diễn đàn Mở về khởi nghiệp và sáng tạo: ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người?" thuộc khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF on ASEAN 2018) diễn ra tại Hà Nội.
Chiến thắng trong cuộc đua sáng tạo
Theo đó, Đông Nam Á hiện được đánh giá là đang dần trở thành thung lũng Silicon thứ hai của thế giới, với 7,86 tỷ USD đầu tư vào startup khu vực này trong năm 2017, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực là fintech, thương mại điện tử và sản xuất trò chơi.
Báo cáo của Google cho thấy, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017, và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.
Với Việt Nam, câu hỏi cũng được đặt ra “Liệu có một Silicon valley tại Việt Nam?”. Chia sẻ trước câu hỏi này, ông Lê Hồng Minh cho biết, trong kinh doanh, phương thức thông thường đa số sẽ là nghiên cứu mô hình đi trước và làm theo. Với lĩnh vực công nghệ, hẳn có nhiều người muốn sao chép mô hình của Google và Facebook. Ông Minh cho biết, mong muốn học tập nhưng không thể học tập theo cách sao chép nguyên bản.
Có thể bạn quan tâm
"Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội"
12:21, 11/09/2018
Con người sẽ làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
10:29, 11/09/2018
Doanh nghiệp là nhân tố quyết định xây dựng "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp"
09:38, 11/09/2018
Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
09:04, 11/09/2018
“Khi đến thung lũng silicon tại Hoa kỳ, tôi nghĩ rằng nên thành lập một văn phòng tại Thung lũng Silicon chứ không phải mang về. Quan điểm của tôi là thúc đẩy sáng tạo. Hiện nay cả thế giới trở thành trung tâm sáng tạo. Điều cần làm là đưa vào vùng địa lý phù hợp, xác định được xử lý vấn đề gì, huy động nguồn lực nào...”, ông Minh nói thêm.
Đồng quan điểm, CEO MBIC - Yasmin Mahmood cho rằng, không nên sao chép một thung lũng silicon tại Việt Nam hay Châu Á. Bởi Vị CEO này khẳng định: “Châu Á sẽ chiến thắng trong cuộc đua sáng tạo nếu tính theo tính bao trùm, hoà nhập. Tại silicon valley có những doanh nghiệp hàng tỷ USD nhưng vào vùng trung thì có những nơi chênh lệch lớn nhiều. Do đó, sự hoà nhập là không có”.
Từng chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam muốn có một hệ sinh thái khởi nghiệp/startup lành mạnh trước hết là phải được “may đo” theo môi trường riêng, chứ không phải là tìm kiếm một “thung lũng silicon tiếp theo”…
Thách thức người trẻ
Đồng thời, hệ sinh thái đó phải vận hành trong một môi trường giảm thiểu được các trở ngại quan liêu hành chính, chính sách phải hỗ trợ các nhu cầu thật sự của khởi nghiệp cũng như biết dung thứ những đầu tư mạo hiểm thất bại.
Các chuyên gia tham dự Diễn đàn cũng đồng tình cho rằng, muốn tạo dựng hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp, bên cạnh sáng tạo, có nhiều thách thức đặt ra với đội ngũ người trẻ Việt Nam.
Vị CEO trẻ của VNG, đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chỉ ra, 5 năm gần đây, lĩnh vực từng được xem rất “hot” như truyền thông kỹ thuật số đã nhanh chóng bị “soán ngôi” khi trí tuệ nhân tạo của Google ngày càng mạnh mẽ.
“VNG có một đội ngũ thiết kế nội dung, tối ưu hoá công cụ tìm kiếm, đó có thể là điều kỳ diệu được tạo lên ở VNG. Nhưng, hiện nay, chúng tôi chỉ cần đưa ra yêu cầu, Google hoàn toàn có thể xử lý ngay lập tức với trí tuệ nhân tạo”, ông Minh chia sẻ, đồng thời cho rằng đây sẽ là áp lực với các bạn trẻ, các bạn sinh viên ra trường.
Cùng với đó, muốn thúc đẩy khởi nghiệp phải xây dựng hệ sinh thái tương đối tự do thoát khỏi, hoặc có khả năng thay đổi những thành kiến văn hóa đối với thất bại hay cách thức vận hành kinh doanh. Biết thúc đẩy thành công, và nhờ đó lại hấp dẫn các dự án mạo hiểm mới. Bên cạnh đó, luôn có đối thoại hỗ trợ giữa các bên liên quan đến khởi nghiệp…
Diễn đàn mở Khởi nghiệp và Sáng tạo: ASEAN 4.0 cho mọi người?” thuộc khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF on ASEAN 2018). Diễn đàn đã tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với các quốc gia Đông Nam Á; Sự thay đổi về nghề nghiệp trong thời kì bùng nổ các ứng dụng công nghệ cao đi kèm với những thách thức; và Đưa ra cách thức tiếp cận mới, những chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng và phát huy những lợi thế mà CMCN 4.0 đem lại. Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến những thách thức không nhỏ nhưng cũng kèm theo đó là những cơ hội to lớn về công nghệ, viêc làm, đa dạng hóa các ngành dịch vụ; tinh thần doanh nghiệp, sự phát triển của các startup đột phá với cốt lõi là những cá nhân sáng tạo, dám đón nhận thử thách là yếu tố rất quan trọng. |