Dồn lực ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT vừa ký văn bản tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan vào Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Công văn của Bộ NN&PTNT nêu rõ, theo Thông báo của Tổ chức Thú Y thế giới (OIE) về tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại Hungary, từ đầu năm 2018 đến nay Hunggary đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) trên lợn rừng tại 2 tỉnh Heves và Szabolcs-Szatmar-Bereg gây chết 17 con và tiêu hủy 1 con lợn.
Tại Ba Lan, từ đầu năm 2018 đến nay Ba Lan đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tại 5 tỉnh (Warminsko-Mazurskie, Podkarpackie, Podlaskie Mazowieckie, Lubelskie) trên 315 con lợn rừng và 162 con lợn nuôi trong tổng đàn 5440 con.
Nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh ASF vào Việt Nam, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh của Hungary và Ban Lan đang có ASF áp dụng từ ngày 20/9/2018 cho đến khi Hungary và Ba Lan công bố an toàn ASF theo quy định của OIE.
Đồng thời, cho phép nhập khẩu vào Việt Nam đối với những lô hàng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh đang có dịch nhưng đã rời cảng xuất hành trước ngày 20/9/2018 và đang trên đường từ Hungary, BaLan đến Việt Nam Bộ NN&PTNT yêu cầu cơ quan Thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhất là bệnh ASF đối với những lô hàng này.
Có thể bạn quan tâm
Trước đó, ngày 30-8, Bộ NN-PTNT Việt Nam có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP và bộ ngành về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm ASF vào Việt Nam. Cơ quan này yêu cầu giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Đây là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất cho ngành chăn nuôi lợn hiện nay và đã xuất hiện ở ngay nước láng giềng Trung Quốc. Nói như ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Việt Nam phải kiên quyết không cho nguồn bệnh lây nhiễm vào trong nước. Vì không có thuốc đặc trị nên các tình thành phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi.
Người chăn nuôi và cán bộ thú y giám sát chặt đàn lợn tại địa phương, kịp thời phát hiện, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Tuân thủ các quy định về kiểm dịch, vận chuyển. “Bệnh này hiện không có khái niệm chữa trị nên khi phát hiện có bệnh là tiêu hủy ngay”, ông Đàm nói.
Theo Bộ NN-PTNT, đến nay đã có 12 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi như Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan...
Tổng cục Hải quan cũng đưa ra thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu như hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên.
Không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản, chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch. Thời gian thực hiện tạm thời kể từ khi nhận được văn bản này đến khi có hướng dẫn mới.
Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan. Đồng thời, thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khoảng 19.581 tấn thịt lợn, tổng giá trị kim ngạch gần 22,23 triệu USD. Hai thị trường chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là Ba Lan với khối lượng trên 7.000 tấn và Tây Ban Nha là trên 4.500 tấn.
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra lần đầu tại trại heo ở tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng Đông Nam Trung Quốc vào ngày 3-8. Trong khoảng 1 tháng, bệnh bùng phát liên tục và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo cũng như cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đến ngày 9-9 đã có 14 ca bệnh được phát hiện ở 6 tỉnh với trên 40.000 con phải tiêu hủy. Điều này cho thấy, những nỗ lực kiểm soát sự lây bệnh ASF ở Trung Quốc dường như không có hiệu quả, gây lo ngại các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam. OIE cho biết, ASF là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh trên tất cả các loại heo (heo nhà, heo hoang dã) do virus gây ra. Heo mắc bệnh ASF có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào độc lực của virus, như sốt cao (40,5-42°C), lười ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm thành đám, đau vùng lưng, vùng bụng, di chuyển khó khăn, một số vùng da màu trắng chuyển sang đỏ, nhất là vành tai, đuôi, hông, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể màu đỏ tím. Heo mang thai có thể sẩy thai mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết 70%. Những con heo khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời, là vật chủ mang mầm bệnh ASF nên cũng phải bị tiêu hủy. Dù bệnh không lây từ heo sang người như cúm gia cầm, nhưng ảnh hưởng lớn đến kinh tế và ngành công nghiệp chăn nuôi heo bởi vì hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa bệnh, cũng như phương pháp điều trị hiệu quả. Theo khuyến cáo của OIE, nếu xảy ra dịch ASF, heo bệnh phải bị tiêu hủy; heo trong khu vực có bán kính 3km bị cấm vận chuyển buôn bán. Điều đó có thể khiến một lượng heo lớn tồn lại ở các trại, nguy cơ buôn bán heo lậu sẽ tăng, khiến dịch bệnh càng khó được kiểm soát. |