Rút gọn đầu mối kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và thủy sản
Bộ NN&PTNT vừa có Văn bản số 7680/TB-BNN-VP thống nhất một đầu mối kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT vừa có Văn bản số 7680/TB-BNN-VP ngày 02/10/2018 Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn về việc triển khai Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/8/2018 điều chỉnh phân công nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan.
Thống nhất một đầu mối
Theo đó, tời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã rà soát, cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa và thủ tục hành chính phải kiểm tra chuyên ngành.
Với việc ban hành Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/8/2018 điều chỉnh phân công nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan tại, Bộ NN&PTNT đã khẳng định quyết tâm cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.
Trước đó, vào thời điểm tháng 5/2018, Bộ NN&PTNT đã rà soát, xác định một số nhóm hàng nhập khẩu đang chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau thuộc Bộ. “Một trong những chồng chéo nổi cộm là chồng chéo giữa kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu”, văn bản của Bộ nêu rõ.
Theo ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhập một mặt hàng nhưng lại phải đăng ký chuyên ngành ở nhiều nơi. Có trường hợp, cơ quan kiểm tra chuyên ngành lại không thừa nhận kết quả của nhau. Điều này buộc doanh nghiệp phải kiểm tra lại gây tốn kém chi phí, thời gian của doanh nghiệp.
“Đơn cử, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải đến 2 “cửa”. Nếu thức ăn cho cá thì phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành với Tổng cục Thủy sản, còn nếu là thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y”, ông Thành cho biết.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.
Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, trong quý IV/2018 phải hoàn thành việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật tại các Thông tư số 25/2016//TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016, Thông tư số 30/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2018, Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2017.
Thực hiện chỉ đạo này của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quyết định giao một đầu mối thống nhất kiểm tra nhà nước là cơ quan kiểm dịch. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trước thông quan.
"Cục Thú y sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu trước thông quan theo quy định pháp luật", văn bản của Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Như vậy, đối với thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản nhập khẩu, nếu như trước đây, để được cấp giấy xác nhận chất lượng và giấy chứng nhận kiểm dịch, doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục hành chính tại các cơ quan khác nhau thuộc Bộ NN&PTNT, thì với việc triển khai Quyết định số 3346/Đ-BNN-TCCB, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản sẽ chỉ phải đăng ký và khai báo một lần để thực hiện một thủ tục hành chính tại một đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính nói gì về giá kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi?
10:47, 01/02/2018
Thức ăn chăn nuôi: nói không với chất cấm
09:56, 24/11/2017
“Giải cứu” thức ăn chăn nuôi
05:38, 30/06/2017
Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Quản chặt để trưởng thành?
05:39, 24/06/2017
Nhiều DN kiến nghị bỏ đăng ký danh mục thức ăn chăn nuôi
08:02, 18/06/2017
Cần tính toán giảm giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y
16:02, 04/05/2017
Thận trọng trong triển khai
Ông Ngô Hồng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nhận định, đây là việc làm mới, nên cần thận trọng. "Triển khai từng bước, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo hiệu quả, thông suốt, không gây cản trở, ách tắc tại bất kỳ khâu nào trong quá trình doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường", ông Giang cho biết.
Theo đó, ngay trong tháng 10/2018, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành việc sửa đổi các Thông tư nói trên, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính, quy định thống nhất đầu mối quản lý, kiểm tra. Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, xác định, phân loại, phân công trách nhiệm quản lý, kiểm tra của từng đơn vị đối với từng loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản để thông báo tới các doanh nghiệp biết và thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị sẽ triển khai xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo điều chỉnh phân công tại Quyết định số 3346/QĐ-BNN-TCCB kể từ ngày các Thông tư sửa đổi các Thông tư trên có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh việc quyết liệt triển khai thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, chuyển phương thức kiểm tra từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan, áp dụng quản lý rủi ro, chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp, thực hiện công nhận lẫn nhau.