Việt Nam đang bỏ lỡ thị trường 650 triệu dân của ASEAN
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang bỏ quên chính thị trường 650 triệu dân của khu vực ASEAN, cần chú trọng khai thác thị trường này và mở rộng ra ASEAN+3.
Phóng viên báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bên lề Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 đang được tổ chức tại Hà Nội.
- Thưa Bộ trưởng, kinh tế nông nghiệp có vai trò như thế nào với các quốc gia trong khu vực ASEAN? Và các vấn đề trọng tâm nào đang được các quốc gia trong ASEAN quan tâm, đẩy mạnh hợp tác?
Như chúng ta đã biết, trong khu vực ASEAN, nông nghiệp nông thôn có vai trò hết sức quan trọng. Trong 10 nước ASEAN thì khu vực nông nghiệp chiếm 10% GDP, nông thôn chiếm 50% dân số trong tổng 650 triệu dân.
Có thể nói, nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Thực tế, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế. Do đó, Chính phủ các nước rất quan tâm tới hợp tác, phát triển lĩnh vực này.
Tại kỳ Hội nghị lần này, 23 nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp được các nhóm kỹ thuật chuẩn bị rất căn cốt và các nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo tại ba Hội nghị lớn.
Điểm đặc biệt, các vấn đề được lựa chọn bàn thảo năm được đặt ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ và gay gắt. Cùng với đó, thị trường nông sản toàn cầu diễn ra khá khốc liệt với một số thị trường nổi lên chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Trong khi đó, các tiến bộ khoa học do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lại giúp đặt ra thời cơ mới, do đó cần họp bàn trong nội khối ASEAN để tận dụng những cơ hội này, vượt qua những thách thức.
-Tuy nhiên, để biến cơ hội thành thành công không phải điều dễ dàng, thưa Bộ trưởng?
Trước hết phải khẳng định, các quốc gia trong khu vực có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện những rào cản còn tồn tại nhiều. Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác cụ thể trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước.
Nền nông nghiệp của khu vực đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất lao động nông nghiệp và nhịp độ tăng trưởng, chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị.
Thêm vào đó, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung. Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và các vấn đề bệnh dịch cũng là rào cản cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều "rào cản" phát triển kinh tế nông nghiệp ASEAN
13:00, 11/10/2018
“Cần có cam kết đủ mạnh và sự đầu tư thích đáng cho phát triển nông nghiệp ASEAN”
09:45, 08/10/2018
Điều này đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm.
- Nông nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong nền kinh tế nông nghiệp khu vực ASEAN? Và những thách thức nào chúng ta đang phải đối mặt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Việt Nam với nền kinh tế nông nghiệp tương đối lớn trong khu vực, xét theo quy mô kinh tế nông nghiệp chúng ta đứng thứ hai trong khu vực ASEAN cũng đã xác định có những thuận lợi và khó khăn. Đó là quy mô lớn nhưng đồng thời lại phải đối mặt với quy mô dân số lớn gần 100 triệu dân, vị trí địa lý ở khu vực biển Đông, địa hình 2/3 là núi nên chịu tác động lớn gây tổn thương của biến đổi khí hậu.
Với thị trường có quy mô hơn 650 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 2.600 tỷ USD, tham gia ASEAN đã giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn, trong số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được trong nội khối vẫn chủ yếu là gạo, thủy sản là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. Còn những mặt hàng như rau quả chúng ta làm chưa tốt.
Việc cộng tác để xuất khẩu các mặt hàng cây công nghiệp cũng chưa tốt. Điển hình như việc cộng tác với Indonesia trong xuất khẩu cà phê chưa cao khiến giá trị thấp. Hạt tiêu chúng ta cũng sản xuất tốt nhưng chưa làm chủ được thị trường thế giới.
-Vậy, giải pháp trọng tâm là gì để Việt Nam bước đi cùng các nền kinh tế ASEAN trong cuộc đua hội nhập, thưa Bộ trưởng?
Mặc dù ra nhập sau vào Cộng đồng ASEAN nhưng đã có nhiều lĩnh vực nhờ tận dụng khoa học kỹ thuật mà chúng ta đã bứt phá, đi tắt đón đầu để đi cùng các nước ví dụ như thuỷ sản, chứ không phải lúc nào cũng đi sau. Do đó, chúng ta xác định, phải tận dụng cho được những có hội mang lại trong nội khối và đặc biệt là những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới, nhằm thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu lại nông nghiệp.
Với việc bỏ ngỏ chính thị trường 650 triệu dân trong khu vực ASEAN. Vừa qua thặng dư của chúng ta sang thị trường này chưa tốt, thậm chí, đang xuất khẩu âm tại chính thị trường này. Do đó, cần tăng cường hợp tác, cùng bổ trợ cho nhau để làm tốt và làm chủ được thị trường, những mặt hàng tương đồng có thể kết hợp chế biến sâu hơn để cùng làm chủ thị trường thế giới.
Đồng thời tranh thủ ở ASEAN+3 để mở rộng thêm thị trường nhất là thị trường Nhật Bản 129 triệu dân, thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!