Lạc quan với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020
Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 là tích cực và đúng hướng. Đặc biệt, cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71%
Sáng 22/10, Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó, bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Tăng trưởng toàn diện và đúng hướng
Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, kết quả đạt được 9 tháng rất toàn diện. GDP 9 tháng tăng 6,98%, mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.
Trong đó, cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%
11:00, 15/10/2018
WB: Tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8%
11:46, 04/10/2018
GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,98%, cao nhất trong 8 năm qua
10:49, 28/09/2018
Dư nợ công cuối năm 2018 khoảng 61,4% GDP
18:00, 13/09/2018
“Động lực” thúc đẩy GDP tăng cao
05:30, 13/09/2018
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%; tổng cầu tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo các chuyên gia, GDP quý cuối của năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ, thì sẽ đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Bởi, thông thường quý IV là quý có GDP tăng trưởng cao nhất. Trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng quý này đều trên 6,11%.
“Trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng đã đạt 6,89%, dự kiến quý IV tăng trưởng mức 6,8% -6,9%, thì con số GDP cả năm 2018 sẽ vượt mức 6,7% đã đề ra. Năng suất lao động duy trì nhịp độ ước đạt 55,5%, cao hơn 55% Quốc Hội giao. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng mức 3,3%, riêng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 40,5 tỷ USD”, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018.
Nhiều ngành công nghiệp đang có tăng trưởng cao. “Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta xuất siêu 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước tốt hơn khu vực ngoài nước là tín hiệu tốt cho ngành sản xuất trong nước”, Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Do đó, các chuyên gia đánh giá, tăng trưởng GDP không chỉ cao mà chất lượng tăng trưởng đang dần ổn định. Vì vậy, mức tăng trưởng mà Quốc hội đề ra được nhận định đã “nằm trong tầm tay”. Nói như ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Đạt và vượt 6,7% là chắc chắn, trừ đột biến. Còn mức nào không quan trọng, vì không thể vượt quá nhiều”.
Ông Lưu Bích Hồ phân tích, động lực chính của tăng trưởng GDP trong quý III chủ yếu sẽ đến từ khu vực công nghiệp-xây dựng, trong đó hạt nhân là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều ngành công nghiệp như thép, ô tô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao. Đây là hướng đi tốt, phù hợp với tái cơ cấu.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, ông Chidu Narayanan còn nhận định: “Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019”.
Giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến GDP mức 6,71%
Về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Dự thảo Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 cơ bản thuận lợi.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực.
Năm 2018, có thể hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Điều này góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Hiện đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm.
Đặc biệt, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2019 - 2020 đạt 6,9%. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,71%. "Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 là tích cực và đúng hướng", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn. Trong 3 năm đầu của giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, đạt 42,18%.
Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Bình quân 3 năm 2016 - 2018 năng suất lao động tăng 5,62%, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015 và vượt mục tiêu tăng bình quân 5%/năm trong 5 năm 2016 - 2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém và đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Sức ép lạm phát hay vấn đề xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá giảm, tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp cũng là điểm mà Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng tuy có cải thiện nhưng nhìn chung, còn nhiều bất cập. Một số Bộ quan trọng có tỷ lệ giải ngân thấp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.