Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Thuỷ điện Bản Vẽ xả lũ đúng quy trình"
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thuỷ điện Bản Vẽ thực hiện xả lũ theo đúng quy trình, nhưng tới trận lũ thứ 4, khả năng cắt lũ của thuỷ điện không còn là điều "không thể tránh".
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay (30/10) của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu chất vấn về quy hoạch thuỷ điện.
Đề xuất dừng 6 nhà máy đang quy hoạch
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, hiện nay, trên lưu vực sông Cả của địa bàn Nghệ An đi qua 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông đã có đến 20 nhà máy thủy điện, trong đó có 8 nhà máy xây dựng xong đã hoạt động, 6 nhà máy đang xây dựng và 6 nhà máy đang quy hoạch.
“Cá biệt, một khúc sông chỉ 1 km có 3 nhà máy thủy điện và có những thủy điện đập trữ nước bên đất của bản”, ông Cầu nói.
Do đó, cử tri Nghệ An đề xuất ba vấn đề, thứ nhất, cho dừng 6 nhà máy đang quy hoạch xây dựng. Nếu không hậu quả sẽ rất lớn.
Thứ hai, còn 180 bản của Nghệ An có nhà máy thủy điện hoạt động nhưng dân không có điện để thắp sáng. Đến năm nào thì có thể cho dân được thắp sáng điện?
Thứ ba, vừa qua, xả nước lũ tại thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An) gây thiệt hại cho dân, yêu cầu phải đền cho dân.
Trả lời chất vấn của Đại biểu, liên quan tới việc xả lũ thuỷ điện Bản Vẽ vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, mùa mưa lũ 2018 là "mùa lũ lịch sử” với 4 cơn lũ liên tiếp, trong đó có 2 trận lũ tương đương tần suất 2%, trung bình 50 năm mới xảy ra 1 lần.
Xả lũ đúng quy trình
Tính riêng trong tháng 8, lưu lượng nước về hồ trung bình tháng là 1.321 m3/s, có thể nói đây là giá trị lưu lượng trung bình tháng lịch sử, bởi vì lưu lượng trung bình tháng 8 tần suất 1% chỉ là 594 m3/s.
Theo Bộ trưởng, trong 3 trận lũ đầu, thuỷ điện Bản Vẽ thực hiện tốt hoạt động xả lũ theo đúng quy trình. Nhưng tới trận lũ thứ 4, khả năng cắt lũ của thuỷ điện không còn vì 3 tỷ m3 đổ về, gấp 10 lần dung tích cấp lũ; đây là điều "không thể tránh".
"Như vậy, việc xả lũ đã thực hiện đúng quy trình, không có sai phạm" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân địa phương. Hiện có 600 triệu đồng đã được chuyển cho nhân dân vùng ảnh hưởng sau xả lũ. Việc ảnh hưởng diện tích rừng trồng, các quy hoạch thủy điện 30 MW sẽ không được xem xét.
Tư lệnh ngành Công Thương cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Công Thương đã có thông tư hướng dẫn các địa phương rà soát lại quy hoạch thuỷ điện nhỏ và vừa. Cả nước đã đưa hơn 400 dự án ra khỏi quy hoạch, xoá bỏ 231 địa điểm đặt quy hoạch thuỷ điện nhỏ và vừa.
Riêng tỉnh Nghệ An đã rà soát 23 dự án, 6 dự án trên sông Cả, Nậm Vu, Nậm Hạt... đã được đưa ra khỏi quy hoạch, hiện còn 42 dự án.
"Tỉnh Nghệ An thực hiện tương đối đúng theo quy định, yêu cầu chung về vấn đề này", ông Tuấn Anh nói.
Năm 2019, Chính phủ sẽ cố gắng để có 9.000 tỷ đồng triển khai vốn cho các địa phương còn thiếu điện trong đó có các bản ở Nghệ An như ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
Trước đó, từ ngày 29 đến 30/8, do tác động của vùng xoáy thấp, miền núi Nghệ An như huyện Kỳ Sơn, Tương Dương có mưa to, kết hợp lũ từ Lào đổ về khiến lũ thượng nguồn sông Cả lên nhanh. Trưa 30/8, lưu lượng nước đổ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở xã Yên Na (Tương Dương) là 2.000-2.500 m3/s. Do nước hồ đã đầy nên nhà máy phải xả bằng với lưu lượng nước đổ về.
23h ngày 30/8, lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ đạt hơn 4.000 m3/s, nhà máy cũng tăng lượng xả hơn 4.000 m3/s. Có thời điểm, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200 m3/s. "Đây là mức xả lớn nhất kể từ lúc nhà máy đi vào vận hành (năm 2010)", ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Bản vẽ nói. Các năm 2011 đến 2014, nhà máy có xả nhưng chỉ từ 2.000 m3/s trở xuống.
Theo ông Hùng, lượng nước đổ về hồ đạt trên 4.000 m3/s chỉ có tần suất 50-55 năm mới xảy ra một lần. Tuy nhiên, chỉ trong hai tuần nay hồ thủy điện Bản Vẽ đã đạt lưu lượng này. Lần một là đợt lũ từ ngày 16 đến 18/8, lưu lượng đổ về hồ Bản Vẽ đạt 4.100 m3/s, do lúc đó hồ đang có dung tích phòng lũ nên chỉ xả với lưu lượng 2.000-2.500 m3/s để cắt lũ cho hạ du.
"Hai cơn lũ lớn dồn dập trong thời gian ngắn khiến nhà máy không kịp xả lũ để có dung tích phòng lũ", Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ nói.
Lượng nước xả về hạ lưu quá lớn nhanh chóng gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng, nhiều nhà dân bị nhấn chìm, hàng loạt công trình hạ tầng thiết yếu bị phá hủy, đời sống của nhân dân bị đảo lộn tứ tung. Vấn đề nan giải nhất lúc này là tình trạng mất đất nông nghiệp cũng như sạt lở nghiêm trọng tại 2 bên bờ sông Lam, hàng chục ha diện tích đất đai màu mỡ trải dài ngút mắt, phẳng lì trước kia nay bị cày xới thảm hại do tác động của tầng tầng lớp lớp đất đá, bùn lầy từ thượng nguồn thi nhau đổ xuống.