5 năm tái cơ cấu ngành: Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế
Sau 5 năm, kết quả đạt được của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những đổi thay to lớn cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Trong 2 ngày (9-10/11/2018), Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Đóng góp vào 3 trụ cột phát triển
Được thực hiện từ năm 2013 trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã đạt hoặc gần tiệm cận được đến mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.
Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm,hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của ba con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp…
“Chính vì vậy, trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng. Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục vào năm 2017 là 36,3 tỷ USD, dự kiến năm 2018 đạt mức 40 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế.
Trong đó, đóng góp của ngành nông nghiệp trong từng trụ cột, trước hết về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước.
Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.
Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp: "Một người có bệnh, bắt cả làng đi tiêm"
06:20, 03/11/2018
Thanh Hóa hút mạnh đầu tư vào nông nghiệp
08:12, 25/10/2018
Cần hỗ trợ hạ tầng cho doanh nghiệp nông nghiệp
05:00, 24/10/2018
Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%), tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm.
Gỡ nút thắt từ địa phương
Mặc dù đã đạt nhiều thành quả, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn khá chậm. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp, tính liên kết vùng còn yếu. Nhận định về vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng, Uỷ viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, thiếu liên kết chính là điểm yếu của ngành nông nghiệp hiện nay.
“Bộ NN&PTNT đã đưa ra quy hoạch sản xuất ở các tiểu vùng, nhưng nếu các địa phương trong tiểu vùng không ngồi lại với nhau, không tổ chức liên kết thì sẽ không thành công được. Vùng này sẽ nuôi con gì, trồng cây gì, xây dựng thương hiệu ra sao, thị trường tiêu thụ ở đâu, thời gian nào… đều phải có kịch bản”, ông Hoàng chia sẻ.
Cùng với đó, có nhiều địa phương chưa thực hiện được tái cơ cấu một cách sát sao. “Sự vào cuộc mỗi nơi một khác, có những địa phương khi nhận được đề án, lãnh đạo “mừng rơi nước mắt” và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như Đồng Tháp, Lâm Đồng, tích cực đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra sự đột phá, những cũng có những địa phương làm chưa tới”, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá.
Do đó, các ý kiến đều cho rằng, trước hết người nông dân lúc này phải thay đổi tư duy sản xuất. “Nông dân phải sẵn sàng thích ứng với quy hoạch, sẵn sàng liên doanh liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hiện đại, an toàn thì các doanh nghiệp mới dám chấp nhận mạo hiểm, đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp”, ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.
Cùng với đó, không chỉ riêng Bộ NNN&PTNT, cần có sự tham gia của các Bộ ngành liên quan vào việc định hướng quy hoạch sản xuất. “Đơn cử, Bộ Công Thương phải vào cuộc, tham gia tìm thị trường tiêu thụ ở đâu, nắm được sắp tới mặt hàng này có thể bán cho ai, nhu cầu của họ là bao nhiêu… có vậy mới tránh dư thừa hàng hoá hay “được mùa mất giá””, ông Hoàng nhấn mạnh.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đồng thời cho rằng cần, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, miền, địa phương và từng lĩnh vực, hướng đến mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh”.